Ở Việt Nam, bạo lực gia đình đang có chiều hướng đáng báo động. Đây là vấn đề nhức nhối khiến dư luận, xã hội đặc biệt quan tâm, làm xói mòn các giá trị, chuẩn mực, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phá vỡ sự bền vững của gia đình.
Nạn nhân của bạo lực thân thể thường là phụ nữ, còn nam giới thường là nạn nhân của bạo lực tinh thần. Bạo lực gia đình xảy ra ở mọi quốc gia, nền văn hóa, tôn giáo, không có ngoại lệ về giàu- nghèo hay trình độ học vấn.
Hành vi bạo lực gia đình được chia làm 4 nhóm: Bạo lực tinh thần, bạo lực thể chất, bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục.
Nhóm hành vi bạo lực về tinh thần bao gồm: Lăng mạ hoặc cố ý xúc phạm danh dự, nhân phẩm hay cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu, giữa cha, mẹ và con, giữa vợ và chồng, giữa anh, chị, em với nhau, hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở, cưỡng ép tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Nhóm hành vi bạo lực về thể chất gồm: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng.
Nhóm hành vi bạo lực về kinh tế gồm: Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình; cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính.
Nhóm hành vi bạo lực về tình dục gồm: Cưỡng ép quan hệ tình dục. Bạo lực không chỉ phát sinh ở các gia đình học vấn thấp, những đôi vợ chồng mới kết hôn mà còn có ở các gia đình học vấn cao.
Các hành vi bạo lực gia đình có nhiều nguyên nhân, nhưng có 2 nguyên nhân chính: Từ cá nhân và từ xã hội. Phần lớn các hành vi bạo lực thường diễn ra trong những gia đình có chồng (vợ) nghiện hút, cờ bạc, rượu chè, mại dâm.
Theo điều tra của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, nguyên nhân trực tiếp làm nảy sinh hành vi bạo lực gia đình là do người chồng nghiện rượu, say rượu (60%), những gia đình này thường có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, học vấn thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật, công việc không ổn định.
Bạo lực gia đình là do rượu và ma túy: Khi sử dụng các chất kích thích như rươu, ma túy nam giới thường có nguy cơ giải quyết những khó khăn bằng hành vi bạo lực.
Bạo lực gia đình thường xảy ra trong những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn: Những cặp vợ chồng phải bươn chải vất vả để kiếm sống thường có sự căng thẳng về thần kinh hơn và do đó dễ nảy sinh mâu thuẫn dẫn đến tranh cãi trong gia đình và cuối cùng nam giới thường sử dụng quyền và sức mạnh của mình để gây ra bạo lực với vợ.
Để ngăn chặn bạo lực gia đình, cần hạ nhiệt hành vi bạo lực. Hạ nhiệt có nghĩa là khi chồng nóng thì vợ bớt lời, làm cho chồng nguôi ngoai, sau đó tìm cơ hội thích hợp khuyên lơn để người chồng thấy rằng hành vi bạo hành vừa qua là một sai lầm cần thay đổi. Ngược lại nếu người vợ cũng nóng tính vì muốn chứng minh mình chính là nạn nhân oan ức của sự sai lầm do chồng gây ra, đứng trên cương vị người vợ, chúng ta cũng hành động nói năng như người chồng thì chỉ “đổ dầu vào lửa”.
Sau khi đã hạ nhiệt được cơn nóng giận của người chồng thì người vợ phải biết tư vấn, bao gồm lắng nghe lý do tại sao chồng mình lại hành động như vậy, sau đó tâm sự giải bày. Qua tâm sự, người chồng có thể nhận ra vợ chính là người lo lắng, thương mình nhiều nhất. Tuy nhiên, thực tế nhiều người vợ lại không hiểu và cư xử như vậy để tháo gỡ tình huống đổ nát trở thành lành lặn.
Nếu hai nỗ lực nhường nhịn và tư vấn hỗ trợ không thành công thì không còn cách nào khác, nạn nhân cần cầu viện trợ. Rất nhiều người hiểu sai rằng bạo hành gia đình chỉ là vấn đề nội bộ, do đó nên đóng cửa nhà mà dạy nhau.
Để góp phần ngăn chặn bạo lực gia đình, các cấp, các ngành cần phải tuyên truyền sâu rộng về luật pháp, xây dựng mô hình phòng chống bạo lực gia đình giúp mỗi chúng ta hiểu rõ vai trò, trách nhiệm trong việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bền vững.
Nguồn: quangnam.gov.vn