Mười năm qua, toàn tỉnh có 3.065 vụ bạo lực gia đình (BLGĐ), chủ yếu là bạo lực tinh thần, thân thể. Nông thôn là địa bàn thường xuyên diễn ra BLGĐ, đối tượng bị bạo lực chủ yếu là nữ giới (gần 90%). Tình hình BLGĐ đang có chiều hướng giảm, từ năm 2009 đến cuối năm 2017 giảm 63% số vụ bạo lực. Tỷ lệ nạn nhân được tư vấn về pháp lý và sức khỏe đạt 85%, nạn nhân được hỗ trợ và chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp là 70%.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 50 mô hình phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) trên địa bàn tỉnh, 139 nhóm PCBLGĐ do UBND xã ra quyết định thành lập, 149 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, trong đó nhiều mô hình hoạt động Mô hình câu lạc bộ về PCBLGĐ theo đúng chuẩn ngày càng được nhân rộng.
Nhiều mô hình CLB thu hút được nhiều đối tượng với nhiều lứa tuổi khác nhau bao gồm ông bà, cha mẹ và con cái tham gia. Tiêu biểu các địa phương như: xã Hồng Vân, huyện A Lưới; phường Phú Hòa, Phú Thuận ở thành phố Huế; thôn Bác Vọng Tây, thôn Xuân Tùy ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền; thôn Bao Vinh, xã Hương Vinh, tổ dân phố 7, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà;… qua đó đã đẩy lùi được những mâu thuẩn trong gia đình, trong khu dân cư và toàn xã hội.
Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng vừa diễn ra lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019, do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp UBND thành phố Huế tổ chức.
Với chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”, Tháng hành động diễn ra từ ngày 15-11 đến 15-12 là một chiến dịch truyền thông cao điểm. Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình đẳng giới, mở rộng hiệu quả các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn kịp thời các vụ việc bạo lực.
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ, hội viên hội nông dân về phòng, chống bạo lực gia đình.
Những kiến thức cơ bản được tập huấn cho hội viên, nông dân về: Thực trạng và hậu quả của BLGĐ đối với xã hội; Ý nghĩa của việc phòng, chống bạo lực gia đình và một số luật như Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới; kỹ năng truyền thông, tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình; vai trò của nam giới với công tác PCBLGĐ; kỹ năng ứng xử khi có mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình; phương pháp, kỹ năng tư vấn hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình, ngăn chặn BLGĐ…
Tại thị xã Hương Trà, Trung ương Hội nông dân Việt Nam cũng phối hợp với Hội Nông dân tỉnh và Hội ND thị xã Hương Trà tổ chức toạ đàm truyền thông bình đẳng giới và bạo lực gia đình năm 2019. Có hơn 100 học viên là Chủ tịch, phó chủ tịch, chi hội trưởng Hội Nông dân trên địa bàn thị xã về tham gia tập huấn.
Năm 2018, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng tổ chức tọa đàm về Bình đẳng giới và PCBLGĐ cho hơn 200 đại biểu là cán bộ, hội viên các phường, xã trên địa bàn thị xã Hương Trà.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu được nghe phổ biến các nội dung gồm: Định kiến giới; bình đẳng giới; công bằng giới, bất bình đẳng giới ở Việt Nam; thực trạng tình hình bạo lực giới, bạo lực gia đình; Luật và chính sách về bình đẳng giới và PCBLGĐ…
Ngoài ra, các đại biểu tham dự cùng nhau thảo luận các vấn đề liên quan BLGĐ như: Nguyên nhân dẫn đến BLGĐ; hậu quả của BLGĐ đối với các thành viên trong gia đình và trong xã hội; các biện pháp PCBLGĐ và vai trò của nam giới trong việc chấm dứt tình trạng BLGĐ…
Qua đó, giúp cho cán bộ, hội viên Hội Nông dân nâng cao kỹ năng truyền thông, tư vấn, kỹ năng giải quyết, hòa giải mâu thuẫn và bảo vệ gia đình trước các hành vi BLGĐ, góp phần xây dựng và nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.
Nguồn: hoinongdan.org.vn