Trong thời gian qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã quan tâm, thực hiện chế độ, chính sách cho người khuyết tật trong lĩnh vực văn hoá, giải trí, góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần và tạo điều kiện hoà nhập xã hội cho người khuyết tật như:
Chỉ đạo tổ chức thực hiện các chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân, người khuyết tật trước, trong và sau Tết Nguyên đán; phát hành đĩa hình để chiếu lưu động phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo và dân tộc thiểu số, trong đó có người khuyết tật. Với 64 đội thông tin tuyên truyền lưu động cấp tỉnh, 577 đội cấp huyện, tổ chức buổi hoạt động, phục vụ hàng triệu lượt người xem, trong đó một bộ phận là người khuyết tật trên khắp cả nước.
Công tác xây dựng văn hoá cơ sở và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” cũng được đẩy mạnh thực hiện với nhiều nội dung hướng tới người khuyết tật.
Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được hoàn thiện, phát huy vai trò, hoạt động trong việc phục vụ nhu cầu của người dân, trong đó có người khuyết tật. Hiện nay cả nước có 69 thiết chế văn hóa cấp tỉnh; 651/713 quận, huyện có Trung tâm văn hóa – Thể thao hoặc Nhà văn hóa, đạt tỷ lệ khoảng 91%; 7.456/10.184 xã, phường thị trấn có Trung tâm Văn hóa – Thể thao, đạt tỷ lệ 73,2% và có 75.966/101.732 thôn, bản.. có nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 74,7%. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã phát huy được vai trò, là nơi sinh hoạt cộng đồng, giải trí, tập luyện thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe cho người dân ở cơ sở trong đó có người khuyết tật, đặc biệt ở những vùng khó khăn.
Đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp ở các địa phương đã dàn dựng chương trình, tiết mục, vở diễn mới, tổ chức buổi biểu diễn phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo và người khuyết tật. Ngành điện ảnh đã in hàng nghìn bản DVD các bộ phim truyện của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam để cấp phát cho toàn bộ các Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng khắp 63 tỉnh, thành cả nước phục vụ đông đảo khán giả, đặc biệt là khán giả là người khuyết tật. Hệ thống thiết chế văn hóa các cấp được quan tâm và định hướng trong vận hành hoạt động hướng đến người khuyết tật.
Chỉ đạo các địa phương, đơn vị quản lý, tổ chức tốt các cuộc triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh phục vụ nhân dân, trong đó có đối tượng là người khuyết tật.
Ngoài ra, hoạt động văn học nghệ thuật đã thu hút được người khuyết tật tham gia hoạt động sáng tác, từ đó tạo điều kiện cho người khuyết tật phát triển tài năng về văn hoá, nghệ thuật.
Năm 2017, Bộ đã tổ chức Chương trình giao lưu “Hạnh phúc gia đình người khuyết tật” với sự tham gia của các gia đình có vợ/chồng hoặc cả hai vợ chồng cùng là người khuyết tật. Chương trình đã có sức lan tỏa, tạo thêm niềm tin về cuộc sống gia đình hạnh phúc, bình yên cho những người khuyết tật.
Hệ thống thư viện công cộng được quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng và bổ sung tài liệu, tiện ích thư viện phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, giải trí, phát triển văn hóa đọc của người khuyết tật. Các thư viện đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi đối với người khuyết tật như: miễn, giảm phí thẻ bạn đọc, đa dạng hóa phương thức phục vụ, tạo điều kiện sử dụng tài liệu thư viện tại nhà, thông qua hình thức thư viện lưu động, gửi qua đường bưu chính khi có yêu cầu đối với người khuyết tật không thể tới thư viện.
Đặc biệt từ năm 2017 – 2019, Dự án Xe ô tô thư viện đa phương tiện lưu động đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai và đã trao tặng 44 xe tô tô thư viện lưu động đa phương tiện cho 44 tỉnh, thành. Mỗi xe có hơn 4.000 cuốn sách, 06 máy vi tính, 01 máy chủ, phần mềm, máy chiếu, ti vi… Trong đó có máy đọc và sách nói cho người khiếm thị, máy phóng to cho người lòa, tài liệu điện tử. Tổ chức 02 chương trình tập huấn về nội dung phục vụ người khuyết tật, người khiếm thị cho cán bộ, nhân viên thư viện được tiếp nhận xe ô tô lưu động. Bên cạnh đó nhiều máy tính, thiết bị đọc sách nói và sách nói, máy lòa được trao tặng cho các em trường học sinh Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) và một số trung tâm người khuyết tật trong cả nước.
Bộ đã phối hợp với Trung ương Hội người mù Việt Nam, Hội khuyến học, Hội văn nghệ trẻ người khuyết tật … cử cán bộ tham gia Ban giám khảo, Ban tổ chức, hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ phát triển tài năng, năng khiếu về nghệ thuật quần chúng, kịp thời động viên, khen thưởng (Huy chương vàng, bạc, giấy khen) cho các tập thể, cá nhân có tiết mục xuất sắc tham gia trong phong trào hoạt động Hội thi, Hội diễn Nghệ thuật quần chúng người khuyết tật.
Ở địa phương, các hoạt động văn nghệ quần chúng được tổ chức thường xuyên, nhằm tuyên truyền, động viên, khích lệ, hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình đáp ứng nhu cầu của bản thân, tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia vào các hoạt động, góp phần xây dựng cộng đồng xã hội, bớt mặc cảm tự ti để phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống. Tổ chức các hội thi văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao các tỉnh, thành trên cả nước; thực hiện miễn giảm giá vé, giá dịch vụ khi người khuyết tật trực tiếp tham gia, sử dụng các dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí, du lịch tại các cơ sở văn hóa trên địa bàn.