Gia đình sẽ còn tồn tại mãi mãi trong đời sống xã hội, trong các cộng đồng người, nên cần nâng cao nhận thức về vai trò của gia đình và giáo dục của gia đình đối với con người và xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý đến hạt nhân cho tốt”. Nếu xét về chiều sâu tư tưởng, đạo đức, tinh thần thì gia đình là hạt nhân của xã hội. Gia đình bao chứa những quan hệ nhân bản, sâu nhất của con người, gắn với bản chất của con người-tính người.
Gia đình với ý nghĩa “hạt nhân” của xã hội có vai trò duy trì những gia trị văn hóa, đạo đức của mỗi cộng đồng, góp phần xây nên văn hóa, đạo đức của xã hội. Cha ông ta cho rằng “Nhất gia nhân, nhất quốc hưng nhân” (mỗi gia đình làm điều nhân thì cả nước sẽ vươn tới điều nhân). Một nhà tư tưởng phương tây khẳng định: gia đình khó phá bỏ hơn quốc gia, có nghĩa là không thể phá bỏ gia đình, nếu gia đình tan rã thì nhân loại sụp đổ.
Đối với phương đông (hiện nay, cả phương tây) đang chú ý đến việc củng cố gia đình và các giá trị gia đình. Ông Toomy Rô – nhà chiến lược Xin-ga-po đã nêu ra 10 giá trị làm nền tảng cho sự phát triển của Đông Á, trong đó có 3 giá trị thuộc về gia đình và cho rằng gia đình là “trụ cột”, là “hạt nhân” của xã hội. Như vậy, dù phương Đông hay phương Tây, dù trong xã hội nào, người ta đều đề cao vai trò của gia đình. Việc nghiên cứu vấn đề gia đình và nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về vai trò của gia đình vẫn là vấn đề đặt ra thường xuyên đối với chúng ta. Như người ta thường nói: Dù gia đình biến đổi như thế nào thì đằng sau gia đình vẫn là gia đình. Cái làm cho gia đình trở thành một hiện tượng tồn tại đặc hữu của con người thì phải luôn luôn củng cố-đó là các quan hệ đạo đức của gia đình, nếu nhân loại không muốn đi đến chỗ diệt vong.
Muốn phát triển nền văn hóa, đạo đức của xã hội, phải gắn liền với phát triển văn hóa, đạo đức của gia đình. Coi việc xây dựng văn hóa, đạo đức xã hội và văn hóa, đạo đức gia đình là một nhiệm vụ trung tâm của sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
TS. Vũ Thị Huệ (Ban Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội)