Ngày 18 tháng 11 năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Văn bản số 4621/BVHTTDL-GĐ gửi Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế về việc góp ý dự thảo Đề án Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030
Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến như sau:
Nhất trí về cơ bản đối với cấu trúc và nội dung của dự thảo Tờ trình, Quyết định, Đề án.
Về Góp ý cụ thể:
Tại mục Đối tượng, phạm vi của dự thảo Quyết định và Đề án, đề nghị bổ sung đối tượng điều chỉnh gián tiếp: bổ sung “Người uy tín, già làng, trưởng thôn, bản, khóm ấp, phum, sóc”.
Tại dự thảo Đề án và dự thảo Tờ trình, đối với giải pháp “Tuyên truyền, vận động chuyển đổi nhận thức, hành vi” tại nhóm giải pháp đột phá, bên cạnh nội dung “Vận động, phát huy hơn nữa vai trò của các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, người có ảnh hưởng đến công chúng tham gia tuyên truyền, giáo dục người dân thực hiện chính sách dân số” đề nghị bổ sung giải pháp lồng ghép các biện pháp thực hiện chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình trong xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố.
Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con) trên phạm vi cả nước, riêng đối với 6 dân tộc có số dân rất ít người (dưới 500 người) cần có quy định mức sinh cao hơn và có chế độ hỗ trợ đặc thù khi sinh.
Tại mục IV của dự thảo Đề án (Thực trạng mức sinh ở Việt Nam): Đề nghị bổ sung thêm để làm rõ về tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi dẫn đến sinh con trai nhiều hơn con gái ở mức không bình thường; Tại mục 3 (Nguyên nhân của một số tồn tại, hạn chế): cần làm rõ thêm nguyên nhân khách quan, chủ quan của tỷ lệ vô sinh tại Việt Nam, nêu rõ các nguyên nhân này đến từ các bệnh, tật di truyền hay do đến từ sự ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm hay thiếu kiến thức về tình dục an toàn… (trong dự thảo nêu Việt Nam có tỷ lệ vô sinh rất cao… khoảng 7,7%, đây mới là con số thống kê được); Cần làm rõ hơn nữa các nguyên nhân và những tồn tại, hạn chế, việc phân tích, chỉ rõ và giải quyết có hiệu quả những nguyên nhân này thì mức sinh ở Việt Nam có thể tăng lên được rất đáng kể.
Tại mục III của dự thảo Quyết định và mục VI của dự thảo Đề án về “Một số giải pháp”: Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét cân nhắc việc lồng “nhóm giải pháp đột phá” và “nhóm giải pháp kỹ thuật” vào với nhau vì trong các dự thảo nêu ra có nhiều điểm tương tự nhau như “tuyên truyền vận động”, “truyền thông vận động” và “đổi mới cơ chế, chính sách, hỗ trợ”, “có biện pháp, chính sách hỗ trợ”… Đề xuất lồng ghép lại thành “Nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm”.
Tại mục VIII (Tổ chức thực hiện) phần vai trò của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thành: “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan triển khai nội dung của Đề án thông qua hệ thống thiết chế văn hóa, công tác gia đình, công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước cơ sở các cấp và lồng ghép việc thực hiện các Đề án của Chiến lược Phát triển Dân số đến năm 2030 vào nội dung Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (sẽ xây dựng)”.