Trong những năm gần đây, Đảng và nhà nước ta đã có những chính sách, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể nhằm góp phần kiềm chế tình hình xâm hại trẻ em; tuy nhiên đến nay tình trạng xâm hại tình dục trẻ em vẫn còn diễn biến phức tạp mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu sự quan tâm phối hợp từ xã hội, một bộ phận nhân dân còn có suy nghĩ e dè, lo lắng không dám trình báo, tố giác các đối tượng có hành vi vi phạm, dẫn đến khó khăn trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; mặt khác do tác động của phim ảnh, mạng xã hội khiêu dâm, các văn hóa phẩm đồi trụy và sự tự tìm hiểu khám phá của lứa tuổi mới lớn sẽ là điều kiện để tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hành vi xâm hại trẻ em tiếp tục xảy ra.
Dự báo trong thời gian tới số lượng thông tin, thông báo, tố giác, tố cáo về vụ việc bạo lực xâm hại trẻ em, trong đó có xâm hại tình dục sẽ không giảm và thực tế đang tăng lên. Nhận thức xã hội về thực hiện quyền trẻ em, về bảo vệ trẻ em có chuyển biến. Luật trẻ em năm 2016 và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố cáo hành vi xâm hại trẻ em cũng như quy định cụ thể biện pháp trách nhiệm bảo vệ trẻ em phòng, ngừa giảm thiểu nguy cơ và hỗ trợ, can thiệp kịp thời các vụ việc trẻ em bị xâm hại. Bên cạnh đó Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 có vị trí pháp lý rõ ràng và đã chính thức vận hành. Các cơ quan chức năng, các dịch vụ về bảo vệ trẻ em và chính quyền địa phương triển khai việc kết nối, hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại trẻ em cũng như xử lý các đối tượng bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục kịp thời hơn.