Cần thơ là thành phố đang phát triển, từ lâu đã nổi tiếng là thủ phủ của khu vực Tây Nam Bộ, là đầu mối giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Là thành phố trung tâm, có nhiều tiềm năng, Cần Thơ đã có những bước tiến hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cải thiện đời sống nhân dân; đồng thời, được đánh giá là thành phố có dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Cần Thơ đang gặp không ít những khó khăn, thách thức như thiếu vốn, tài nguyên thiên nhiên, khoa học công nghệ chưa cao, nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Thực tế trên đòi hỏi muốn thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp, hiện đại hóa thì một trong những yêu cầu cấp bách là phải xây dựng, phát triển con người toàn diện, hiện đại, có chất lượng cao.
Để xây dựng thành công nhân tố con người, gia đình đóng vai trò quan trọng. Bởi vì, gia đình là một trong những hình thức tổ chức cơ bản trong đời sống cộng đồng của con người, một thiết chế văn hóa-xã hội đặc thù, được hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở của quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và giáo dục…giữa các thành viên. Ở Việt Nam, gia đình thường có những chức năng cơ bản như: chức năng tái sản xuất con người, chức năng kinh tế, chức năng giáo dục các thành viên và chức năng đáp ứng các nhu cầu tinh thần, tình cảm.
Thời gian qua, thành phố Cần Thơ đã tập trung chỉ đạo việc xây dựng, nâng cao chất lượng danh hiệu “Gia đình văn hóa” bên cạnh các danh hiệu văn hóa khác trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng môi trường văn hóa gia đình-xã hội lành mạnh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Các thành viên trong gia đình luôn hòa thuận, tôn trọng lẫn nhau; cha mẹ, ông bà sống mẫu mực làm gương cho con cháu học tập noi theo. Nhiều gia đình rất chú trọng việc nâng cao tri thức, cho dù kinh tế khó khăn nhưng vẫn quyết tâm cho con học tập, đỗ đạt cao. Có những gia đình vươn lên thoát nghèo, khi có kinh tế ổn định thì hỗ trợ, giúp đỡ địa phương, giúp đỡ những người khó khăn hơn mình để cùng nhau ổn định cuộc sống. Tính đến cuối năm 2018, toàn thành phố đã công nhận 259.467/270.980 hộ gia đình văn hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đó, mặt trái của cơ chế thị trường cũng nảy sinh nhiều vấn đề tác động đến đời sống gia đình làm cho gia đình đang đứng trước những thử thách, nhiều sản phẩm văn hóa độc hại bên ngoài tràn vào cùng với các tệ nạn xã hội đang tấn công mạnh mẽ vào các gia đình. Từ đó, tình trạng ly hôn, ly thân, sống thử không đăng ký kết hôn, quan hệ tình dục, nạo phá thai trước hôn nhân gia tăng. Nhiều giá trị đạo đức gia đình đang xuống cấp, những giá trị đạo đức tốt đẹp như kính trên nhường dưới, hiếu nghĩa, thủy chung đang bị mai một. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống, thiếu gắn kết giữa các thành viên trong gia đình là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng, đặc biệt đối với phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi. Các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè bê tha và đaị dịch HIV/AIDS đang len lỏi thâm nhập vào các gia đình…,và gần đây xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em gây bức xúc trong dự luận…
Chính vì vậy, để tìm ra những giải pháp trước mắt và lâu dài trong xây dựng gia đình văn hóa nhằm hạn chế tối đa những tiêu cực xâm hại vào gia đình, trung tuần tháng 10 năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng gia đình văn hóa trong xây dựng người Cần thơ đến năm 2020, định hướng tới năm 2030”, với sự tham gia của các đại biểu là lãnh đạo các ngành, các cấp, các nhà khoa học, nhà báo và các em học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Cần Thơ.