Theo thống kê, tại Việt Nam, bạo lực gia đình (BLGĐ) đã làm tổn hại tinh thần, ảnh hưởng tới kinh tế và năng suất lao động, ước tính gây thiệt hại khoảng 1,78% GDP mỗi năm.
Các nghiên cứu về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam cũng cho thấy: có tới 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ từng phải trải qua ít nhất một bạo lực gia đình; gần 80% số vụ ly hôn hằng năm có nguyên nhân từ bạo lực gia đình.
Theo thống kê của Vụ Gia đình, Bộ VH-TT-DL, thì trong số các vụ BLGĐ bị phát hiện, nạn nhân là nữ chiếm đến hơn 74%, trẻ em là hơn 11%. Đặc biệt, có đến khoảng 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết, cuộc đời họ đã từng phải trải qua ít nhất 1 trong 3 loại bạo lực: thể xác, tình dục, tinh thần.
Theo điều tra của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đối với phụ nữ, tỷ lệ từng bị bạo lực về tinh thần là 47,2%, bạo lực thể chất là 7,3%, bạo lực tình dục là 4,2%, bạo lực về kinh tế là 1,8%.
Bạo lực người cao tuổi trong những năm trở lại đây có xu hướng gia tăng, hình thức bạo lực xảy ra nhiều nhất là: Hỗn láo, lăng mạ, sỉ nhục… Còn với trẻ em, nguyên nhân chính thường xuất phát từ mâu thuẫn cha, mẹ và con cái, trẻ không nghe lời, nghịch ngợm, không làm theo các quy định mà người lớn đặt ra.
Lý giải nguyên nhân phụ nữ thường là nạn nhân của bạo lực trong gia đình, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), cho rằng, nguyên nhân chính vẫn là tư tưởng bất bình đẳng giới, nghĩa là đàn ông được quyền “dạy vợ”.
PGS, TS Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng: Những yếu tố từ phía gia đình và cộng đồng có thể hạn chế, ngăn chặn bạo lực. Con cái có vai trò quan trọng trong việc giải quyết xung đột giữa cha mẹ. Khi con cái trưởng thành, hiểu được các khía cạnh của cuộc sống sẽ kiềm chế tốt hơn các hành vi của hai bên cha, mẹ.
Mặt khác, gia đình và họ hàng sẽ là cầu nối giúp hòa giải mâu thuẫn bằng nhiều cách khác nhau như động viên, khuyên bảo… Cùng với đó, hàng xóm cũng có vai trò tích cực trong phát hiện các mâu thuẫn gia đình, can thiệp kịp thời khi xảy ra xung đột. Từ đó, có thể hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thương về thể chất lẫn tinh thần cho nạn nhân bị bạo lực.
Tổng hợp báo cáo của các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến cơ sở trong 10 năm qua cho thấy, các cơ quan, tổ chức đã biên soạn và phân phối hàng triệu tờ rơi, tờ gấp, tranh cổ động, áp phích và tài liệu tuyên truyền liên quan tới xây dựng gia đình, tổ chức hàng nghìn cuộc hội thảo, tập huấn về PCBLGĐ cho hàng trăm nghìn lượt người có liên quan thuộc các ban, ngành, đoàn thể từ trung ương đến cơ sở, thực hiện trợ giúp pháp lý, thăm khám và bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân BLGĐ.
Ước tính, đến nay có trên 90% hộ gia đình có ít nhất 1 người được tiếp cận thông tin về PCBLGĐ qua các kênh thông tin khác nhau.
Mô hình PCBLGĐ được thi điểm giai đoạn 2008-2010 tại 64 xã, phường, thị trấn thuộc 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả tổng kết sau 3 năm thí điểm cho thấy, số vụ BLGĐ giảm 77,8% so với trước khi triển khai mô hình.
Bộ VHTT&DL đã chỉ đạo nhân rộng mô hình trên phạm vi toàn quốc, thống kê tại 61/63 tỉnh, thành phố có khoảng 74,85% xã, phường, thị trấn triển khai mô hình PCBLGĐ. Các mô hình hiện nay đang đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về PCBLGĐ cũng như thực hiện can thiệp, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ ngay tại cộng đồng.
Các tổ chức quốc tế cũng đã đóng vai trò tích cực trong hỗ trợ Bộ VHTT&DL nói riêng và các cơ quan, tổ chức của Việt Nam nói chung trong triển khai, thi hành Luật thông qua hỗ trợ về tài chính và kinh nghiệm quốc tế.
Tổng hợp số liệu từ các địa phương trong 10 năm qua cho thấy, nhìn chung tình hình BLGĐ có xu hướng giảm về số vụ, năm sau thấp hơn năm trước. Song, con số tổng hợp chưa thể nói được đầy đủ về thực trạng BLGĐ hiện nay. So sánh số liệu báo cáo từ các ngành cho thấy, vẫn còn một khoảng cách giữa các ngành khi tổng hợp thông tin về BLGĐ.
Chỉ tính riêng số liệu các vụ án ly hôn có nguyên nhân từ BLGĐ do Tòa án nhân dân tối cao báo cáo cho thấy, từ ngày 1/7/2008 đến ngày 31/7/2018, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 1.422.067 vụ án ly hôn, đã giải quyết 1.384.660 vụ, đạt tỷ lệ 97,4%, còn lại 37.407 vụ đang trong quá trình giải quyết.
Trong số 1.384.660 vụ án ly hôn Tòa án đã giải quyết, có 1.060.767 vụ xuất phát từ nguyên nhân BLGĐ như: Bị đánh đập, ngược đãi; vợ hoặc chồng nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc; ngoại tình (chiếm 76,6% các vụ án ly hôn).
Số liệu từ các cuộc điều tra xã hội học gần đây cho thấy, có 30% số hộ gia đình tham gia trả lời cho biết trong 12 tháng gia đình họ đã xảy ra ít nhất một hành vi được xác định là hành vi BLGĐ (theo quy định của Luật).
Việc xử phạt vi phạm hành chính mặc dù đã được thực thi song chưa tương xứng với số vụ BLGĐ do tính đặc thù của đối tượng bị xử phạt. Hình thức xử phạt hành chính hiện nay chưa thực sự đảm bảo tính răn đe, giáo dục và đôi khi là rào cản đến việc phát hiện, can thiệp, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ và xử lý người gây BLGĐ.
nguồn hoinongdan.org.vn