Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang vừa ban hành Công văn số 1083/UBND-VHXH ngày 20/8/2019 về việc triển khai, thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em.
Để đảm bảo triển khai hiệu quả nhiệm vụ được giao tại kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc (Thủ trưởng) các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai, thực hiện nghiêm túc Thông báo số 324/TB-VPCP ngày 29/8/2018 của Văn phòng Chính phủ. Trong đó, cần tập trung chỉ đạo, thực hiện ngay một số nhiệm sụ sau:
Một là, tổ chức triển khai quán triệt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em; nâng cao nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc và quan tâm đúng mức về công tác bảo vệ trẻ em; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ 25 quyền trẻ em theo quy định của pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em; tạo lập cuộc sống an toàn cho trẻ em bằng các hình thức phù hợp, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành, đơn vị trong việc bảo vệ và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Kiên quyết xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, vi phạm quyền trẻ em và người thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ trẻ em.
Hai là, tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; thay đổi phương pháp giáo dục trẻ em; hướng dẫn các thành viên trong gia đình, giáo viên, học sinh kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, kỹ năng bảo vệ trẻ em; phòng, chống bạo lực gia đình, học đường; thực hiện trách nhiệm thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.
Ba là, quan tâm xây dựng, bố trí, tạo thêm không gian vui chơi cho trẻ em (sân chơi và các thiết chế văn hóa phù hợp). Chú trọng bố trí nguồn lực (kinh phí và người làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em) bảo đảm cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tập huấn, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, kỹ năng cho cán bộ làm công tác trẻ em, ưu tiên cho cán bộ cấp xã và cộng tác viên tại cộng đồng.
Bốn là, tăng cường các giải pháp bảo vệ trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và phòng, chống đuối nước cho trẻ em; đấu tranh phòng, chống tội phạm bạo lực, xâm hại trẻ em; điều tra, truy tố, xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Kịp thời xác minh, báo cáo những vấn đề, vụ việc đột xuất, nổi cộm liên quan đến trẻ em cho cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền và UBND tỉnh để chỉ đạo, hỗ trợ tháo gỡ, giải quyết kịp thời. Các cơ quan liên quan cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về các vụ việc xâm hại trẻ em (nếu có) cho các cơ quan thông tin để đăng tải, phản ánh trên các phương tiện thông tin theo quy định của pháp luật.
Năm là, triển khai phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đến địa bàn dân cư. Tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia phát hiện, ngăn chặn các hành vi bạo lực, bóc lột, xâm hại trẻ em, vi phạm quyền trẻ em; truyền thông Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 để mọi trẻ em, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên hệ miễn phí khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Biểu dương, nhân rộng những nhân tố tích cực, những mô hình điển hình tốt về bảo vệ trẻ em và thực hiện quyền trẻ em.
Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ và căn cứ định hướng, các giải pháp tăng cường công tác bảo vệ trẻ em theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em.
Đề nghị Tỉnh đoàn Kiên Giang, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tăng cường tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân tích cực tham gia công tác bảo vệ trẻ em; mỗi người dân cần giám sát, phản biện xã hội và chung tay giải quyết những vấn đề nóng về trẻ em, đặc biệt bạo lực, xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành liên ngành về công tác trẻ em; chỉ đạo UBND cấp xã bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong số các công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách thuộc quyền quản lý của UBND cấp xã (ở những nơi chưa bố trí). Tổ chức kiện toàn, thành lập, tăng cường hoạt động của Ban bảo vệ trẻ em cấp xã do Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp phụ trách.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc để xảy ra tình trạng không xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn quản lý; không kịp thời hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại; thường xuyên tự kiểm tra, thành lập đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em ở cơ sở.
UBND tỉnh giao trách nhiệm Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng có liên quan tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; ưu tiên bảo vệ, hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bị tai nạn thương tích, bị đuối nước. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện tốt nội dung Công văn chỉ đạo của UBND tỉnh; định kỳ, đột xuất tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện theo quy định.
nguồn: svhtt.kiengiang.gov.vn