Yêu thương là tiêu chí ứng xử số 1 trong quan hệ gia đình. Gia đình hình thành từ xuất phát điểm ban đầu là tình yêu. Khi đã nên duyên vợ chồng và sinh con thì tình thương trở thành báu vật của gia đình.
Tình yêu thương là sự hòa hợp giữa cảm tính và lý tính, giữa cho đi và nhận lại, giữa trách nhiệm với thụ hưởng, giữa sự thiếu vắng với bù đắp để có được không gian hạnh phúc. Tình yêu thương là chất men say, chất kết dính diệu kỳ của mỗi gia đình. Nó trở thành thiêng liêng cao cả không gì có thể sánh bằng, không gì có thể đánh đổi. Đó là báu vật của hạnh phúc mà gia đình nào cũng sẵn có, không cần phải vay mượn. Là cội nguồn cho sức mạnh tình cảm sâu nặng và lòng thủy chung bền chặt keo sơn gắn bó mật thiết ở môi trường gia đình.
Ngay từ thủa hàn vi khốn khó, ngọn lửa yêu thương trong tình cảm vợ chồng, gia đình vẫn ấm nóng, thiêng liêng, cao quý: Chồng ta áo rách ta thương/ Chồng người áo gấm xông hương mặc người.
Tình yêu thương gia đình đọng lại ở những cử chỉ thân ái, săn sóc, chở che, cảm hóa, cảm mến nhau không ngừng nghỉ. Cho dù những lo toan gánh vác và trắc trở họ vẫn dành cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Tình yêu thương đã làm cho thành viên gia đình biết cảm thông, nhường nhịn, bỏ qua cho nhau những khiếm khuyết, thậm chí cả lầm lỗi mềm yếu và sẵn sàng hi sinh cho nhau đảm bảo để gia đình được hạnh phúc trọn vẹn.
Tình yêu thương gia đình còn bộc lộ ở khả năng tạo dựng không gian sống hạnh phúc. Đó là nơi chốn đầm ấm bình yên để sớm tối đi về, để vững vàng thủy chung và không thể bị sa ngã, lạc lối trước bao cám dỗ ngoài đời. Đó cũng là sự kiên trì cảm hóa, cảm mến nhau, khám phá chinh phục nhau bền bỉ khi luôn giữ trong tim ngọn lửa ấm và hình bóng của nhau. Tự nguyện dâng hiến, tự nguyện yêu thương, tự nguyện thỏa mãn nhu cầu của nhau như một lẽ tự nhiên của tạo hóa của đất trời ban tặng cho nhau.
Câu ca xưa đã thắp lên ngọn lửa yêu thương nồng nàn tình chồng vợ, một sự hi sinh về nhau rất có ý nghĩa: Chàng ơi cho thiếp theo chàng/ Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam.