Đồng cảm có nghĩa là hiểu được cảm giác của người khác. Trẻ nhỏ có thể thấy rằng những người khác có cảm xúc nhưng không phải lúc nào trẻ cũng cảm nhận và hiểu được cảm xúc đó là gì.
Trẻ em học về cách người khác cảm nhận bằng cách nói về những cảm xúc đó. Trẻ em học để hiểu và tôn trọng cảm xúc của người khác khi chính cảm xúc của trẻ được tôn trọng và thấu hiểu.
Cố gắng hiểu những gì trẻ đang cảm nhận. Khi bạn cố gắng để hiểu những cảm xúc của trẻ bạn đã thể hiện cho trẻ biết rằng những cảm xúc này có ý nghĩa.
Giúp trẻ chuyển cảm xúc thành lời nói. Nói chuyện thường xuyên với trẻ về những cảm xúc thường gặp như vui vẻ, phấn khích, buồn phiền, lo sợ, tức giận hay ghen tị.
Gọi tên những cảm xúc của trẻ, ví dụ “Mẹ thấy rằng con đang rất vui”. Điều này sẽ giúp trẻ học cách tự gọi tên cảm xúc của mình.
Chấp nhận những cảm xúc của trẻ ngay cả khi trẻ buồn phiền hay giận dữ. Hãy cho trẻ biết rằng người khác cũng có những cảm xúc tương tự như vậy. Không có cảm xúc nào tốt hay xấu.
Hãy là tấm gương tốt cho trẻ. Hãy cho trẻ thấy cách bạn đối mặt với sự sợ hãi, chán nản và tức giận theo hướng tích cực.
Giúp trẻ hiểu cảm xúc của người khác. Bạn có thể lấy ví dụ về những cảm xúc của mọi người trong sách, trên tivi. Nói về ý nghĩa của những biểu hiện trên gương mặt. Cậu bé kia trông có vui vẻ không? có phải là đang rất vui tươi phấn khởi không?