Việc nhà, theo quan niệm của người Việt Nam thường được coi là trách nhiệm của người phụ nữ/người vợ/người mẹ. Rất nhiều loại công việc thường được coi như không tên và không được tính công và vì vậy công sức, sự vất vả, thời gian của người vợ khi làm việc không tên này trong nhiều trường hợp không được nhìn nhận công bằng. Quan niệm đã tồn tại phổ biến trong các gia đình cũng như ngoài xã hội.
Và chính vì phụ nữ phải chịu trách nhiệm làm những công việc không tên/không được trả công và đặc biệt những người phụ nữ vì một số lý do nào đó không tham gia vào lĩnh vực có thu nhập nên tiếng nói của họ trong gia đình trở nên ít có giá trị, thậm chí có những quan niệm nặng nề như “đàn bà ngồi trong xó bếp, biết gì mà tham gia”. Giá trị của người vợ và công sức lao động của họ bị xem thường và bỏ qua.
Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu phát triển xã hội được tiến hành năm 2007 tại Hà Tây thì một ngày một người phụ nữ dành năm tiếng để làm việc nhà trong khi đàn ông chỉ dành một hoặc hai tiếng để “giúp một tay/giúp đỡ làm việc nhà”.
Tuy nhiên, quyền chia sẻ và thực hiện các công việc trong gia đình hiện nay đã được luật pháp quy định và bảo vệ. Điều 19, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định trách nhiệm của vợ chồng là cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình. Như vậy, được chia sẻ công việc nhà là quyền lợi và nghĩa vụ của cả vợ và chồng chứ không phải là trách nhiệm của riêng người vợ hay sự giúp đỡ, “làm hộ” của người chồng.