Theo Báo cáo số 249/BC-SVHTTDL ngày 26/8/2019 của Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình:
Nhận thức của các gia đình, cộng đồng: Nhận thức của gia đình về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào đó còn bị xem nhẹ, nhiều thói quen, phong tục tập quán như văn hóa “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” bấy lâu nay khiến cho người ta coi chuyện đánh con là “bình thường” đó là quyền của cha mẹ phải dạy cho con nên người. Do thiếu hiểu biết về pháp luật nói chung và pháp luật về quyền trẻ em nói riêng, chưa được các cấp, các ngành quan tâm, đấu tranh loại bỏ, tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho các bậc cha mẹ với quyền trẻ em. Việc ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột đối với trẻ em chưa được cộng đồng chủ động phát hiện sớm và báo cho các cơ quan chức năng xử lý, can thiệp kịp thời vì họ cho rằng đó là việc của từng gia đình.
Vai trò bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của gia đình, cộng đồng chưa được coi trọng: Kiến thức và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và của chính bản thân trẻ chưa đầy đủ dẫn đến năng lực bảo vệ trẻ em của gia đình, cộng đồng còn hạn chế, trẻ em dễ trở thành nạn nhân của các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục và dễ bị lôi kéo vào con đường phạm tội.
Nhận thức về bảo vệ trẻ em còn hạn chế: Thể hiện ở khía cạnh thiếu hiểu biết về pháp luật, về các hành vi vi phạm quyền trẻ em, dẫn đến tình trạng người thân trong gia đình xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em và các thành viên khác trong xã hội phạm tội nghiêm trọng đối với trẻ em đến mức phải xử lý hình sự. Pháp luật chưa đủ mạnh, chưa đủ răn đe những người có hành vi bạo lực như Điều 110 Bộ luật Hình sự Việt Nam có quy “…người nào đối xử tàn ác với đối tượng là trẻ em lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ từ 1 đến 3 năm…” – mức án như vậy là quá nhẹ.
Pháp luật bảo vệ trẻ em còn nhiều khoảng trống, chưa có quy định cụ thể về bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng; chưa có quy định, đặc biệt trong trường hợp nhận tố giác từ trẻ em.
Môi trường xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến bạo lực trẻ em như: cha mẹ bị cuốn vào tệ nạn xã hội, nghiện hút, cờ bạc, rượu chè; cha mẹ mâu thuẫn hoặc ly hôn, lối sống ích kỷ thiếu trách nhiệm với con cái.
Bất bình đẳng giới cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự loại bỏ thai nhi khi biết giới tính là nữ, có một vài trường hợp vứt bỏ trẻ sơ sinh là nữ và bạo lực với trẻ em gái.
Xã hội càng phát triển thì mặt trái của nó cũng xuất hiện càng nhiều. Tuy nhiên nhận thức của xã hội cũng sẽ cao hơn do đó càng cần phải nhận thức rõ hơn nữa tầm quan trọng của trẻ em – mầm non tương lai của đất nước, nên trước hơn hết là các cấp, các ngành phải đề ra và thực hiện các biện pháp để dần dần làm giảm đi tình trạng bạo hành trẻ em.