Trẻ vị thành niên là những người dễ bị ảnh hưởng nhất bởi những biến động của xã hội. Sự thay đổi của nền kinh tế thị trường, sự xâm nhập không kiểm soát được của văn hóa ngoại lai đã hình thành nên một lối sống mới trong giới trẻ, lối sống đó có mặt tích cực, nhưng song song với nó là những ảnh hưởng tiêu cực, nhất là khi lớp trẻ tiếp thu thiếu tính chọn lọc; lối sống vì lợi ích cá nhân, vì cái tôi sẽ làm mai một ít nhiều giá trị đạo đức truyền thống như sự hiếu thảo, tương thân tương ái; làm nẩy sinh những tệ nạn như: lối sống đua đòi, quen hưởng thụ, ma túy… Bởi vậy, nếu gia đình không có một phương pháp giáo dục đúng đắn thì hậu quả mà gia đình nói riêng và xã hội nói chung phải gánh chịu không sao lường trước được.
Thiếu sự quan tâm đến con
Sai lầm lớn nhất của cha mẹ khi ứng xử với con tuổi vị thành niên là sự thiếu quan tâm đến con trẻ; luôn coi chúng là chưa biết gì và áp dụng phương pháp giáo dục chưa phù hợp khi dùng kỷ luật “sắt”, khi lại nuông chiều quá đà. Một trong những khó khăn lớn của gia đình hiện đại ngày nay là thiếu quỹ thời gian cần thiết dành cho sự sum họp, sinh hoạt gia đình giữa cha mẹ và con, nếp sống gia đình truyền thống ngày càng bị lãng quên. Việc quá tập trung cho đầu tư làm ăn, công danh sự nghiệp… khiến không ít các bậc cha mẹ vô tình lãng quên hoặc không đủ thời gian dành cho con. Và để bù đắp, họ tìm người lo việc ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng cho con, tìm trường tốt nhất cho con học, tìm thầy tốt nhất để dạy con, cung phụng tiền bạc để con tiêu xài thoải mái. Nhưng thực tế, sự cố gắng này chỉ khiến tình cảm giữa cha mẹ và con phai nhạt hơn vì trẻ không cảm nhận được tình yêu thương từ sự quan tâm của cha mẹ.
Tại nhiều gia đình, cha mẹ và con sống chung trong một nhà nhưng cả tuần không gặp mặt nhau. Bữa cơm sum họp gia đình ngày càng thưa dần và ít khi đủ mặt tất cả thành viên; những cuộc trò chuyện, tâm tình giữa cha mẹ với con cũng trở nên ít ỏi. Cơ hội thăm hỏi, gần gũi với ông bà, anh chị em họ hàng của trẻ cũng bị hạn chế. Chính nề nếp sinh hoạt lỏng lẻo này trong gia đình dần dần hình thành cho con trẻ lối sống khép kín, ích kỷ, chỉ biết bản thân mình, không cảm nhận được tình cảm đối với cha mẹ, ông bà, họ hàng, không nhận được sự quan tâm chăm sóc của người thân… Trẻ sống cô độc hơn trong thế giới của riêng mình. Và vì thiếu sự dẫn dắt, giúp đỡ của cha mẹ, người thân, trẻ dễ vấp phải những trắc trở đầu đời. Đã có không ít ông bố, bà mẹ rơi vào tình trạng sét đánh ngang tai, hối hận cũng không kịp khi biết con mình nghiện hút ma túy, trộm cắp, mắc các tệ nạn xã hội … vì lâu nay đã không chú ý đến sinh hoạt của con.
– Áp dụng phương pháp giáo dục một chiều
Sai lầm thứ hai của các bậc cha mẹ là dùng uy quyền để áp đặt, bắt buộc con làm theo mệnh lệnh của mình; nếu trẻ không nghe thì dùng biện pháp trừng phạt từ thấp đến cao, như: bắt đứng cả đêm khi trẻ lấy trộm tiền, cho nhịn ăn khi về muộn, không cho tiền tiêu vặt, viết kiểm điểm… Một số bậc phụ huynh vì thiếu hiểu biết hoặc không kiềm chế được bản thân đã xâm hại con về mặt tinh thần như: dùng lời lẽ cay độc, mắng chửi khiến trẻ bị tổn thương, thậm chí coi việc hành hạ, đánh đập hoặc dùng các nhục hình với trẻ như là quyền của họ. Những hành vi đó đều vô tình đẩy con họ vào thế đối lập, nghĩ rằng cha mẹ không thương yêu mình; thậm chí có thể khiến trẻ bị khủng hoảng tâm lý, tự ti, khó hòa nhập; nhiều em trở nên hung hãn, lỳ lợm, xa lánh mọi người và căm ghét gia đình. Trẻ thường xuyên bị cha mẹ quát mắng, đánh đập sẽ xuất hiện những cảm xúc bực dọc, tâm trạng căng thẳng, dần dần chuyển sang trạng thái thô bạo và chống lại uy quyền của cha mẹ…
Cũng cần nhấn mạnh rằng, trẻ trưởng thành trong gia đình thường xuyên có bất hòa, bạo lực giữa cha và mẹ cũng chịu ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng tới sự hình thành nhân cách, hành vi ứng xử. Sự bất hòa giữa cha mẹ có thể gây tâm lý sợ hãi, làm trẻ mất phương hướng, không biết theo ai hoặc sinh ra những thói hư, tật xấu như nói dối, vô lễ … Nhiều trường hợp trẻ không an tâm học tập, buồn nản, đau khổ, nảy sinh những tình cảm lệch lạc, bè phái, theo bố chống mẹ, theo mẹ chống bố…