Kế thừa và phát triển hệ thống pháp Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam cùng với Hiến pháp năm 2013, trong xã hội các mối quan hệ trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình luôn diễn ra đa dạng, phức tạp, với những hình thức khác nhau. Vì vậy để xây dựng và hoàn thiện chế độ hôn nhân và gia đình tiến bộ, xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, chậm tiến bộ trong hôn nhân và gia đình là vấn đề đang được quan tâm. Ngày 19 tháng 6 năm 2014, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khóa XIII, kỳ họp thứ 7 đã thông qua Luật hôn nhân và gia đình, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, thay thế Luật hôn nhân và gia đình năm 2000. Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có 9 chương, 133 Điều, so với Luật hôn nhân và gia đình 2000 ít hơn 4 chương, nhưng tăng lên 23 điều. Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã có nhiều quy định mới, có những sửa đổi bổ sung. Đó là việc sửa đổi, bổ sung “Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình”. Bên cạnh việc tiếp tục khẳng định nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, Luật nhấn mạnh mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc. Nhằm phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của gia đình trong tình cảm vợ chồng. Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
– Điều 5 (Bảo vệ chế độ hôn nhân). Khoản 2, Điều 5 quy định cấm các hành vi kết hôn sau: Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.
– Điều 8 (Điều kiện kết hôn), tại điểm d Khoản 1 cũng quy định không đăng ký kết hôn cho những trường hợp quy định tại Khoản 2, Điều 5 của Luật này.
– Điều 19 quy định: “Vợ chồng có nghĩa vụ yêu thương, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình” Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở của Điều 18 của Luật hôn nhân và gia đình 2000. Theo đó, bổ sung nội dung sau:“Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác”. Qua đây cho thấy pháp luật về hôn nhân và gia đình đã từng bước cụ thể hóa những quan hệ xã hội mới phát sinh trong cuộc sống gia đình. Trong quá trình phát triển của xã hội với sự điều chỉnh tương ứng của các qui định của Luật hôn nhân và gia đình cho thấy Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến lĩnh vực hôn nhân và gia đình, trên cơ sở quán triệt nguyên tắc “hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một chồng một vợ, vợ chồng bình đẳng”.