Trong quá trình giáo dục, giữa cha mẹ và con cái thường không tìm được tiếng nói chung. Những cuộc tranh cãi xảy ra sẽ đẩy 2 bên về các phía đối lập. Và kết thúc của mọi cuộc tranh cãi luôn là sự thất bại bởi dù ai có thắng thì cũng sẽ làm người kia tổn thương. Trẻ con luôn luôn muốn được thỏa mãn cảm xúc của chúng nhưng cũng đủ khôn ngoan để hiểu rằng nếu đi quá giới hạn sẽ nhận kết quả không như ý. Tuy nhiên, để trẻ hiểu được giới hạn thì cha mẹ cần áp dụng nhiều biện pháp và phải hết sức khéo léo để vẫn tạo cảm xúc tốt cho trẻ nhưng cũng không để trẻ đi quá giới hạn. Muốn vậy, cha mẹ hãy nỗ lực tạo ra một bầu không khí hòa đồng, yêu thương, nơi chỉ có những cử chỉ và ngôn từ đẹp, chứ không phải là một không gian căng thẳng, đầy rẫy những tiếng la hét. Đó không phải là sự nhu nhược mà đó là sự kiềm chế một cách có khoa học nhằm đạt được mục đích tích cực trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.
Giáo dục con cái chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Trong thời đại phát triển của xã hội như ngày nay, trẻ con bị ảnh hưởng bởi những tác động từ môi trường bên ngoài rất nhiều. Những tác động đó dù tích cực hay tiêu cực cũng hình thành nên tính cách trẻ. Trẻ con như tờ giấy trắng và cha mẹ là người thầy đầu tiên. Hãy viết lên tờ giấy đó những điều tốt đẹp bằng chính những lời nói và hành động của mình. Cha mẹ hãy đối xử với con công bằng như những người bạn chứ không phải bằng sự “uy quyền” của người lớn.
Hãy cho trẻ cảm nhận gia đình là điều quan trọng nhất – là nơi mà sợi dây vô hình đã, đang và sẽ kết nối những yêu thương.