Cũng như trong mối quan hệ giữa vợ và chồng, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái đầu tiên và cơ bản nhất là sự thương yêu. Ngay từ khi người mẹ mang thai đứa con của mình, cội nguồn của tình yêu thương đã được nảy nở. Và gắn với quá trình mang thai, theo từng mốc phát triển của con, cha mẹ thêm gắn bó với mầm sống bé nhỏ, kết tinh của tình yêu ấy.
“Em bé sẽ thế nào, giống cha hay giống mẹ?” “Nên chọn lựa cho em bé sinh ở đâu? Cần phải chăm sóc như thế nào?” “Nên cho bú sữa mẹ đến bao nhiêu tháng? Ăn dặm từ tháng mấy?”. Hàng trăm câu hỏi được đặt ra, được trao đổi giữa cha mẹ. Chính từ những sự chăm sóc, lo toan ấy là thể hiện tình yêu của cha mẹ với con. Và khi đứa trẻ sinh ra, tình yêu lại lớn lên từng ngày. Cha mẹ có quyền yêu thương và cũng có nghĩa vụ thương yêu con. Con cái được kết tinh từ máu thịt của cha mẹ, được người mẹ măng nặng đẻ đau, được người cha chăm sóc, vỗ về, dạy dỗ. Văn hóa phương Đông gọi đây là công lao dưỡng dục và người con phải đáp đền lại công lao của cha mẹ. Cũng chính vì vậy, cha mẹ có quyền thương yêu con và không ai được tước đoạt đi quyền ấy.
Nghĩa vụ thương yêu con là bởi sự gắn bó máu thịt, sự công nhận của xã hội với mối quan hệ cha mẹ – con cái đòi hỏi cha mẹ phải bày tỏ tình yêu thương qua những hành động cụ thể, bằng sự chăm sóc, tạo mọi điều kiện tốt nhất về tài chính, thời gian, suy nghĩ cho con mình để từ tình yêu thương ấy trưởng thành và là một người con ngoan, một công dân tốt.
Như vậy, yêu thương không chỉ dừng lại bằng lời nói mà phải bằng những việc làm cụ thể. Yêu thương cũng không có nghĩa là bao bọc, bảo vệ, hy sinh tất cả cho con mà phải giáo dục, định hướng, tôn trọng cá tính, ý kiến của con trong quá trình nuôi dạy. Pháp luật về trẻ em luôn nhấn mạnh quyền được tôn trọng, được lắng nghe ý kiến của các em bởi trẻ em có những mong muốn, nhu cầu riêng của mình và việc tôn trọng trẻ em sẽ giúp các em phát triển tự tin với cộng đồng và mọi người xung quanh.
Trong những năm gần đây, rất nhiều quan điểm giáo dục trẻ em được phát triển trên cơ sở coi trẻ em là trung tâm của quá trình và tham gia tích cực vào quá trình này. Đơn cử ngay khi đứa trẻ bắt đầu tập ăn dặm (ăn thô) và đã có thể tự nhai (vào khoảng 8 tháng trở lên), nhiều cha mẹ áp dụng phương pháp Baby Led Weaning (viết tắt là BLW – ăn dặm tự chỉ huy) tức là khuyến khích trẻ tự lập, tự quyết trong việc ăn uống. Cha mẹ sẽ chuẩn bị đồ ăn đa dạng, không nấu lẫn như cháo hoặc bột mà được chế biến riêng biệt, đủ độ mềm, cắt ra và bày biện thuận tiện cho trẻ bốc, cầm, cắn. Mỗi bữa ăn, trẻ được ngồi vào ghế riêng của mình với thức ăn bầy trước mặt. Trẻ ăn gì, ăn bao nhiêu là do bé quyết định. Điều này là sự thay đổi lớn với cách ăn dặm của trẻ Việt Nam khi thường ăn những món như cháo, bột cho đến tận 2 tuổi. Như vậy, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, chưa tự chăm sóc được bản thân, các em đã được khuyến khích tự lập bằng việc tập ăn, chọn món ăn.