Xâm hại tình dục trẻ em là một vấn nạn báo động ở cả Việt Nam và trên thế giới. Theo thống kê của Bộ Công an, riêng năm 2018, cả nước có 1.269 vụ án xâm hại tình dục trẻ em với số lượng nạn nhân lên tới 1.141 em, chiếm 82% tổng số vụ xâm hại trẻ em (Bộ Công an, 2019). Đáng chú ý là số lượng vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra trong không gian trương học – vốn là nơi “thiêng liêng” có chức năng giáo dục và bảo vệ học sinh, chiếm tỷ trọng đáng kể (6,2%) tổng số vụ trong giai đoạn 2015-2018, và ngày càng có dấu hiệu gia tăng.
Thủ phạm xâm hại trẻ em trong trường học chủ yếu là do giáo viên, nhân viên nhà trường gây ra. Những vụ việc như vậy không chỉ dẫn tới tâm lý lo lắng về sự an toàn của trẻ em trong thời gian ở trường, nó còn tạo ra tâm lý nghi ngờ, mất niềm tin vào đạo đức nghề giáo. Hầu hết các vụ xâm hại tình dục trẻ em do giáo viên gây ra đều đã diễn ra trong thời gian dài mà không hề bị phát hiện, chỉ đến khi tình trạng tâm lý của trẻ có nhiều bất thường và gia đình gặng hỏi, thì sự việc mới được phơi bày. Xâm hại tình dục trẻ em đã để lại nhiều hệ lụy đối với sức khỏe thể chất và tinh thần đối với trẻ em không chỉ là sang chấn tâm lý nhất thời, mang thai, kết quả học tập suy giảm, bỏ học, mà cả những tổn thương tinh thần như trầm cảm, làm mẹ đơn thân, …
Thực trạng xâm hại tình dục trẻ em xảy ra trong môi trường học đường gợi ý rằng thực tế trường học có thể từ nơi an toàn đối với trẻ trở thành nơi tạo điều kiện cho hành vi xâm hại. Giáo viên vừa có thể là người bảo vệ trẻ, nhưng cũng là đối tượng có thể thực hiện hành vi xâm hại dễ dàng và khó phát hiện bởi giáo viên là người có quyền lực cao hơn và có thẩm quyền quản lý, đánh giá học sinh. Điều này đặt ra yêu cầu về việc nghiên cứu mối quan hệ quyền lực giữa giáo viên và học sinh, cũng như các tác động của môi trường học đường đến khả năng trẻ bị xâm hại tình dục, trì hoãn việc phát hiện và tố cáo các hành vi xâm hại.