Nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình cho rằng, sự căng thẳng trong cuộc sống có thể khiến cá nhân có hành vi bạo lực đối với người thân. Sự cẳng thẳng trong gia đình, trong xã hội nảy sinh khi cá nhân không đủ các nguồn lực về tâm lý, xã hội và kinh tế để đáp ứng kỳ vọng của bạn bè, người thân, đồng nghiệp và của chính bản thân họ. Chẳng hạn như không được thăng tiến, gặp rắc rối với đồng nghiệp, ly hôn, ngoại tình, thất nghiệp, lạm phát giá cả, gia tăng chi phí nuôi con.
Trong lý thuyết Xã hội hóa vai trò giới, bạo hành gia đình được xem là một trong những kết quả của quá trình xã hội hóa cá nhân, là hành vi do bắt chước, học theo, làm theo mà có. Các mô hình, kết cấu hành vi, tình cảm và thái độ đặc thù cho mỗi giới đã có sẵn trong xã hội trước khi con người được sinh ra. Từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, con người không ngừng tiếp thu và làm theo các mô hình, kết cấu vốn luôn tồn tại khách quan đó. Động cơ bạo hành, hành vi bạo hành, thái độ “bình thường hóa: của người chồng xuất phát từ sự tiếp nhận, làm theo những tấm gương quan sát thấy trong bản thân gia đình và cộng đồng. Sự nhẫn nhịn và thái độ cam chịu của người vợ có điểm xuất phát tương tự, và đó chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến và thúc đẩy khả năng tái diễn của bạo lực gia đình.
Cách tiếp cận Sinh thái học đối với bạo hành chỉ ra rằng, bạo hành gia đình xảy ra không phải do một nhân tố duy nhất mà là sự kết hợp của nhiều nhân tố ở các cấp độ khác nhau: cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội. Trong đó, ở cấp độ cá nhân, tồn tại một số khả năng như người gây ra bạo hành từng là nạn nhân của bạo hành, từng bị lạm dụng tình dục, từng phải chứng kiến hành vi bạo hành của cha mẹ và người thân, không có cha mẹ hoặc bị cha mẹ chối bỏ và thường xuyên uống rượu. Ở cấp độ gia đình, các mẫu thuận nảy sinh trong quan hệ vợ chồng, người chồng – người kiểm soát tài chính, người ra quyết định chủ yếu trong gia đình là những nhân tố có nguy cơ dẫn đến bạo hành.
Mô tả các hành vi bạo hành thể chất và bạo hành tình dục, lý thuyết Bánh xe quyền lực và kiểm soát nhấn mạnh về người chồng sử dụng bảo hành như một phương tiện để duy trì quyền lực và sự kiểm soát đối với người vợ. Theo lý thuyết này, nhân tố quyết định dẫn đến hành vi bạo hành của người chồng chính là ý muốn buộc người vợ phải phục tùng.
Lý thuyết hệ thống khẳng định, gia đình là một tổ chức năng động, được tạo nên từ những thành viên có mối quan hệ gắn bó với nhau về mặt huyết thống hoặc hôn nhân. Bởi vậy, hành vi của mỗi thành viên và khả năng lặp lại hành vi đó bị tác động bởi những phản ứng và phán xét của các thành viên khác. Khi người chồng có hành vi bạo hành, nếu người vợ luôn tỏ thái độ cam chịu thì hành vi bạo hành sẽ không chỉ xảy ra một lần, càng về sau người chồng càng coi đó là hành vi bình thường đến mức có thể chấp nhận được, còn người vợ sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề về sức khỏe về thể chất, đời sống tinh thần và sức khỏe tình dục. Nếu người vợ không chấp nhận mà tỏ thái độ phản kháng, hành vi bạo lực của người chồng có thể hoặc không tái diễn hoặc suy giảm mức độ thường xuyên, sức khỏe của người phụ nữ ở phương diện nêu trên ít phải gánh chịu ảnh hưởng tiêu cực.