Không gian an toàn cho trẻ em là một vấn đề bức thiết của xã hội Việt Nam hiện nay. Điều này không chỉ đến từ định hướng và tầm quan trọng của việc bảo vệ trẻ em, đối tượng được coi là tương lai của đất nước mà còn đến từ một thực tế là tình trạng thiếu an toàn đối với trẻ em đang ngày một rõ nét. Đặc biệt trong xã hội hiện đại, trẻ em đang phải đối mặt với những nguy cơ về mất an toàn nhiều khía cạnh, từ sinh hoạt, học tập tới cả tư pháp do bị bỏ mặc hoặc bị xâm hại.
Ở Việt Nam, có nhiều văn bản qui phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em nhưng thiếu sự thống nhất trong giải thích một số định nghĩa, thuật từ (các từ ngữ trong định luật xâm hại tình dục trẻ em, như: hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em,… chưa được làm rõ và thiếu sự thống nhất giữa các Luật) và thiếu các qui định cụ thể.
Việc triển khai thực hiện Luật trẻ em còn phân tán, quá nhiều cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm nhưng luật chưa quy định cơ chế phối hợp nên công tác thực hiện kém hiệu quả; công tác phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ.
Khuôn khổ pháp luật quốc gia trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế về trẻ em còn nhiều lỗ hổng và khiếm khuyết (chẳng hạn như Luật trẻ em quy định độ tuổi trẻ em là dưới 16, tuổi công ước là dưới 18 tuổi; một số hành vi xâm hại tình dục trẻ em chưa được quy định đầy đủ và cụ thể, theo yêu cầu của các chuẩn mực quốc tế).
Nhận thức của các gia đình và cộng đồng và của bản thân trẻ em về quyền trẻ em, và các kỹ năng bảo vệ trẻ em còn nhiều hạn chế. Đây là lý do mỗi năm có hàng nghìn trẻ em bị xâm hại, bị buôn bán, bị bóc lột, bị bạo lực… và còn những gia đình nạn nhân che giấu, mặc cảm, né tránh báo vụ việc.
Đội ngũ cộng tác viên cơ sở thường là kiêm nhiệm, thiếu chuyên môn nghiệp vụ về công tác xã hội nên nhiều thông tin về trẻ em không được bao quát, nhiều vụ việc không được phát hiện sớm để ngăn chặn; chế độ chính sách không có hoặc rất ít.
Vẫn còn tình trạng chậm xử lý giải quyết mặc dù vụ việc đã bị phát hiện và xử lý qua quít với đối tượng có hành vi xâm hại và những người có chức, có quyền, có tiền, có quan hệ xã hội rộng. Ở các cộng đồng nông thôn, kinh tế còn khó khăn, sự thiếu vắng người cha, người mẹ, thiếu vắng cả cha lẫn mẹ trong gia đình đang gia tăng do cuộc sống mưu sinh; trong khi những đứa trẻ thiếu sự dạy bảo trực tiếp của cha mẹ chúng lại được trang bị các phương tiện liên lạc hiện đại như điện thoại, internet… trong khi internet được xác định là một trong những nhân tố chính gây mất an toàn cho trẻ hiện nay.1