Từ khái niệm về xâm hại tình dục trẻ em, nghiên cứu của Mathews và Collin – Vézina (Mathews & Collin – Vézina, 2019) về các mô hình và khái niệm trẻ em đã đề ra các đặc điểm của trẻ em bao gồm: xâm hại xảy ra trong một mối quan hệ quyền lực vị thế bất bình đẳng giữa người xâm hại và nạn nhân: tuổi tác, thể chất, nhận thức, tâm lý, giới tính và văn hóa; không có sự đồng thuận và khai thác yếu điểm của nạn nhân.
Với các đặc điểm như vậy, một mối quan hệ tình dục giữa giáo viên và học sinh đều sẽ làm xâm hại tình dục trẻ em, bởi giáo viên ở vị thế có quyền lực cao hơn – người giáo viên là người chấm điểm, đánh giá và quản lý học sinh; giáo viên là người trưởng thành, có tuổi tác, thể chất, nhận thức và văn hóa hơn hẳn học sinh; mối quan hệ này không dựa trên sự đồng thuận – Sự đồng thuận là thỏa thuận giữa hai bên ở vị thế ngang nhau nhưng mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh không phải mối quan hệ bình đẳng. Giáo viên luôn có quyền lực cao hơn học sinh nhờ vào vị trí của mình và giáo viên có thể khai thác điểm yếu của học sinh thông qua đe dọa về điểm số, kỷ luật, đuổi học dựa vào thẩm quyền của mình.
Môi trường học đường có thể đóng vai trò là bối cảnh cho tất cả các hình thức xâm hại, từ xâm hại thể chất tới tinh thần và xâm hại tình dục trẻ em. Trường học vừa đại diện cho yếu tố bảo vệ nhưng cũng đồng thời có thể là yêu tố rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần đối với học sinh. Nghiên cứu của Walter (2018) nghiên cứu về các trường hợp bị thu hồi giấy phép sử dụng tại North Carolina trong 49 năm, cho thấy 61% trong tổng số 755 nhà giáo mất giấy phép là do vi phạm đạo đức tình dục. Nghiên cứu của Shakeshaft (2004) khảo sát học sinh từ lớp 8 đến lớp 11 tại 80.000 trường học, phát hiện giáo viên là người có khả năng thực hiện xâm hại tình dục trẻ em nhiều nhất, với 9,6% các vụ, theo sau là huấn luyện viên, tài xế xe buýt và kỷ luật viên.