Trên thực tế, giáo dục đạo đức có 3 thành phần chính: giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Trong đó, giáo dục gia đình đóng vai trò chủ động, tích cực.
Giáo dục đạo đức trong gia đình hướng đến tất cả các đối tượng, không chỉ trẻ nhỏ mà còn người lớn tuổi, không chỉ người còn đang hoàn thiện nhân cách mà còn cả với người đã trưởng thành, không chỉ người được giáo dục mà cả với người đang chủ động giáo dục người khác.
Đó là sự chỉ bảo, kềm cặp, uốn nắn, thuyết phục, lan tỏa, điều chỉnh… của các thành viên trong gia đình. Ông bà, cha mẹ hướng dẫn, bảo ban con cháu là điều rất cần thiết, nhưng bản thân cũng phải biết luôn nêu gương, luôn tự điều chỉnh cho phù hợp. Không giống với các hình thức giáo dục khác, giáo dục đạo đức gia đình thường rất cụ thể và thực tế, nên độ “thấm” thường tốt hơn, bền hơn, sâu hơn. Các bài học đạo đức của gia đình thường là để sống tốt hơn một cách thực sự, không chỉ cho bản thân người được dạy mà còn cho gia đình, người thân nữa, nên mức độ thuyết phục và tính tự giác thường cao hơn. Sự tác động của giáo dục đạo đức trong gia đình có giá trị lan tỏa nhất định, trong đó gần như luôn có tính tự trọng, sự chuộng danh dự khi đặt ra vấn đề đạo đức gia đình.
Giáo dục đạo đức gia đình cần thêm sự giúp đỡ từ bên ngoài để các gia đình có điều kiện quan tâm hơn nữa đến việc này. Chẳng hạn, các cơ quan nên chú trọng tổ chức ngày hội gia đình của cơ quan mình, trong đó có phần giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, biểu dương những gia đình nuôi dạy con tốt, các thành viên có ứng xử phù hợp (như hiếu kính với ông bà, cha mẹ, có quan tâm giúp đỡ họ hàng, lối xóm, thực hiện những nghĩa cử cao đẹp…).
Các đoàn thể ở địa phương, như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ… nên chú ý tìm hiểu để giới thiệu, biểu dương những gia đình có lối sống lành mạnh, tiến bộ, có quan hệ ứng xử đúng mực… tại địa phương và tìm cách lan tỏa các tấm gương đó trong cộng đồng. Các cơ quan báo chí – truyền thông quan tâm giới thiệu nhiều hơn những gia đình, những cá nhân tiêu biểu trong ứng xử đạo đức, như có hiếu với cha mẹ, nuôi dạy con cái tốt, là các điển hình người tốt việc tốt. Các loại hình nghệ thuật cũng nên khai thác, xây dựng các hình tượng trong sân khấu, điện ảnh, văn học về những tấm gương này để tạo sự lay động và noi theo trong xã hội. Việc biểu dương nên chú ý những tấm gương bình dị, thiết thực và có sức lan tỏa cao.
Bên cạnh đó, truyền thông, dư luận xã hội tham gia điều chỉnh, tác động, lên án đối với các biểu hiện xuống cấp đạo đức ngay trong gia đình, như hiện tượng tranh chấp, giành giật của cải, tài sản của các thành viên trong gia đình, hiện tượng con cái hắt hủi, bỏ rơi cha mẹ, hiện tượng cha mẹ vô trách nhiệm với con cái, nạn bạo hành trong gia đình, biểu hiện phân biệt đối xử, bất bình đẳng giới… Bản thân mỗi gia đình cần ý thức được vai trò này của mình trong việc nâng cao đạo đức xã hội, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng đất nước
Nguồn báo sài gòn giải phóng