Là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó có bạo lực với trẻ em, Bộ đã đầy mạnh việc thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương và không có khả năng tự vệ trong gia đình khi có bạo lực. Năm 2017, mở đầu cho các hoạt động của Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Bộ đã tổ chức Lễ phát động Chiến dịch truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình tại Vĩnh Phúc có sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban ngành trung ương và các địa phương. Tại lễ phát động, các địa phương đại diện các tỉnh thành phố, các vùng miền trong cả nước đã ký cam kết nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình, chú trọng người yếu thế trong gia đình là phụ nữ và trẻ em, để gia đình thực sự là nơi an toàn nhất của mỗi người.
Đặc biệt, năm 2018, Bộ đã tổ chức Hội thảo khoa học và Tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Qua đó, đánh giá toàn diện, khách quan những việc đã làm và chưa làm được, đưa ra những giải pháp, kiến nghị để thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để nghiên cứu, xây dựng Đề án sửa đổi Luật trình Chính phủ trình Quốc Hội vào năm 2022.
Công tác phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình theo Quy chế của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai hiệu quả. Từ năm 2017-2018, các Bộ, ngành trong đó có đại diện của các cơ quan tư pháp (Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an) đều họp theo định kỳ 6 tháng 1 năm để đánh giá những kết quả đã đạt được nhiệm vụ trọng tâm thời gian tiếp theo. Trong đó, tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em trong gia đình gây bức xúc dư luận được các Bộ, ngành quan tâm và đã đưa thành nội dung quan trọng của công tác phòng, chống bạo lực gia đình của từng Bộ, ngành.