Thời gian qua, các Cấp bộ đoàn đã tăng cường phối hợp với ngành Lao động -Thương binh và Xã hội, và ngành Giáo dục và Đào tạo về giáo dục kỹ năng về sức khỏe sinh sản, kỹ năng bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại cho thiếu nhi; tuyên truyền, cung cấp thông tin, kỹ năng cho cán bộ phụ trách thiếu nhi, phụ huynh. Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về Luật trẻ em, kỹ năng công tác xã hội, các giải pháp phòng ngừa, can thiệp và hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền gíáo dục lòng nhân ái, tình yêu thương con người thông qua hệ thống loa phát thanh, bảng tin, các phương tiện truyền thông trực quan, mạng xã hội, các phương tiện truyền thông đại chúng và các cơ quan báo chí của Đoàn, Đội; phát huy vai trò tự quản của Ban Chỉ huy Liên đội, Chi đội và hệ thống Sao đỏ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em. Trong năm 2018, đã có hơn 5 triệu lượt thiếu nhi được tuyên truyền về phòng, chống xâm hại qua kênh của Đoàn, Đội. Nhà Xuất bản Kim Đồng thuộc Trung ương Đoàn đã xuất bản bộ sách cẩm nang về một số kỹ năng cần thiết cho trẻ em, trong đó có 01 cuốn sách “Cẩm nang phòng tránh xâm hại trẻ em”, phát hành rộng rãi trong toàn quốc. Các cơ quan báo chí của Đoàn đã tập trung xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; phản ánh, lên án các hành vi xâm hại trẻ em và hoạt động của các cấp, các ngành, tổ chức Đoàn trong bảo vệ, hỗ trợ trẻ em. Nội dung phòng, chống xâm hại tình dục, tự bảo vệ bản thân đã được lồng ghép trong các hoat động, trại hè kỹ năng cho thiếu nhi, như chương trình “Học kỳ quân đội” , chương trình “Học làm chiến sĩ công an”, trại hè “Trải nghiệm để trưởng thành”…
Thực hiện nhiệm vụ đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, tổng hợp ý kiến, kiến nghị, tiếng nói của trẻ em để gửi tới các cấp, các ngành có liên quan. Thực hiện Quyết định 1235/QĐ-TTg ngày 03/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em về các vấn đề liên quan đến trẻ em giai đoạn 2016-2020, Trung ương Đoàn đã chủ trì, chỉ đạo triển khai thí điểm mô hình “Hội đồng trẻ em”. Đến nay, đã có 10 tỉnh, thành phố hoàn thành việc ra mắt và đi vào hoạt động mô hình “Hội đồng trẻ em”, với hơn 3000 ý kiến của các em được tổng hợp từ cấp cơ sở (5 tỉnh triển khai điểm gồm Yên Bái, Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Định, thành phố Hồ Chí Minh.
Một số tỉnh không thuộc diện triển khai thí điểm cấp tỉnh song đã chủ động triển khai mô hình là Ninh Bình, An Giang, Lai Châu (thành lập được Hội đồng trẻ em cấp tỉnh); Quảng Nam, Lạng Sơn (thành lập Hội đồng trẻ em cấp huyện). Trong quá trình tổ chức các hoạt động dành cho trẻ em quy mô toàn quốc, Trung ương Đoàn thường xuyên lồng ghép nội dung lấy ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của trẻ em về các vấn đề trẻ em quan tâm chuyển tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng. Trong 02 năm 2017, 2018, đã có 50/63 tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc tham mưu được lãnh đạo tỉnh, thành phố gặp mặt, đối thoại với thiếu nhi với nhiều hình thức. Các cấp bộ đoàn đã phối hợp với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức 1.594 diễn đàn trẻ em với sự tham gỉa của 205.865 lượt trẻ em (trong đó 15 diễn đàn cấp tỉnh, 206 diễn đàn cấp huyện, 1.373 diễn đàn Cấp xã). Các tỉnh, thành phố tiếp tục nâng cao hiệu quả của 35.118 câu lạc bộ Quyền trẻ em trong các Liên đội, trên địa bàn dân cư và trong hệ thống Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi.
Trên cơ sở tổng hợp từ địa phương và thông qua các hoạt động, Trung ương Đoàn đã xây dựng báo cáo tổng hợp tình hình trẻ em, ý kiến, nguyện vọng của trẻ em gửi đến Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Ủy ban Văn hóa, Gìáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội để báo cáo Quốc hội trước mỗi kỳ họp. Đồng thời, tổng hợp 14 nhóm vấn đề chính mà trẻ em quan tâm gửi đến 07 bộ, ngành (Giáo dục và Đào tạo; Lao động Thương bình và Xã hội, Y tế; Công an; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Tuyền thông) đề nghị xem xét giải quyết.