Sau 10 năm triển khai thi hành Luật bình đẳng giới, một số bài học kinh nghiệm rút ra như sau:
Một là, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới (BĐG) của các cấp, các ngành và bản thân người phụ nữ, nam giới là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay.
Hai là, sự cam kết mạnh mẽ của các hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện BĐG và vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) luôn đóng vai trò then chốt; sự tham gia tích cực và trách nhiệm cao của cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp là tiền đề cơ bản để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác BĐG.
Ba là, việc hình thành và kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về BĐG và duy trì tổ chức phối hợp liên ngành vì sự tiến bộ của phụ nữ là cần thiết để tạo ra sự thống nhất và đồng thuận cao giữa các bộ, ngành chức năng trong triển khai thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm quyền con người của phụ nữ. Công tác VSTBPN cần phải gắn chặt chẽ với thực hiện BĐG thì mới thực sự đem lại hiệu quả trên thực tế.
Bốn là, để đảm bảo hiệu quả của công tác BĐG cần có sự đầu tư bài bản cả về nhân lực và vật lực. Bên cạnh việc bố trí cán bộ chuyên trách có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cần đảm bảo bố trí đủ kinh phí để đảm bảo hiệu quả của hoạt động.
Năm là, huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, người dân trong thực hiện công tác BĐG nhằm đảm bảo tính bền vững và hiệu quả. Cần phải ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn hóa các dịch vụ BĐG làm cơ sở để xã hội hóa công tác BĐG.