Việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) hầu như ai cũng “mặc định” đó là việc của phụ nữ. Vai trò của nam giới trong thực hiện KHHGĐ dường như rất mờ nhạt, thậm chí có nhiều người còn nghĩ mình vô can trong việc tham gia KHHGĐ/chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS).
Chiến lược dân số Việt Nam đã xác định mục tiêu là “Xây dựng và thực hiện các chính sách xã hội để nâng cao vị thế và quyền năng cho người phụ nữ. Khuyếnkhích nam giới chia sẻ trách nhiệm trong CSSKSS/KHHGĐ, trong việc nuôi dạy và chăm sóc con cái”.
Trong những năm gần đây, đời sống người dân đã được cải thiện đáng kể, nhiều gia đình kinh tế khá giả vẫn sinh nhiều con. Nguyên nhân của tăng dân số do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan; những tư tưởng muốn đông con và phải có con trai để nối dõi tôngđường, có nếp, có tẻ… vẫn còn tồn tại trong một số gia đình.
Anh Bùi Văn A (huyện Phú Hòa), nói: Tôi đâu biết gì đâu, sử dụng biện pháp tránh thai là của phụ nữ, chúng tôi là đàn ông, đi khám thì kỳ lắm”. Còn anh Ngô Văn T (TP Tuy Hòa) thừa nhận: “Nếu muốn tránh thai thì chỉ dùng phương pháp sử dụng bao cao su là an toàn nhất, vừa tránh được các bệnh truyền nhiễm vừa an toàn trong vấn đề KHHGĐ”.
Chị Ngô Thị Hồng Duyên, cán bộ dân số xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa), chia sẻ: Hầu hết trong các buổi tư vấn nhóm, tư vấn cộng đồng hay trong các đợt chiến dịch CSSKSS/KHHGĐ thì đối tượng tham gia chủ yếu vẫn là chị em phụ nữ, còn các đối tượng nam giới trong độ tuổi sinh đẻ rất ít, hầu như là không có anh nào tham gia. Họ rất ngại tiếp xúc khi nói về sinh sản nên chúng tôi rất vất vả trong việc nắm bắt tâm tư để tư vấn, chia sẻ về vấn đề này.
Chương trình DS-KHHGĐ của Việt Nam nói chung và của tỉnh Phú Yên nói riêng, trong thời gian qua vẫn còn bỏ ngỏ nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có nội dung bình đẳng giới. Do sức ép của sự gia tăng dân số quá nhanh, gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội.
Nghị quyết 20 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới cũng chỉ rõ, hiện nay tư tưởng muốn có nhiều con, trọng nam hơn nữ vẫn còn khá phổ biến trong một bộ phận nhân dân, kể cả cán bộ, đảng viên.
Theo số liệu thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ, năm 2018, toàn tỉnh có 50.495 người sử dụng biện pháp tránh thai. Riêng trong 2 đợt chiến dịch về CSSKSS/KHHGĐ, qua thống kê đã có 121.912 cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Trong đó có 23.295 nam giới sử dụng bao cao su, 146 người triệt sản nam; thuốc tiêm và cấp tránh thai số lượng nữ đạt 1.523 người (gấp hơn 10 lần nam giới trong việc tránh thai).
Trong thời gian qua, chương trình DS-KHHGĐ vẫn chưa chú trọng nhiều đến các khía cạnh khác của vấn đề dân số như chất lượng dân số, phân bố dân cư, bình đẳng giới, CSSKSS… mà chỉ mới tập trung vào làm giảm mức sinh thông qua việc tham gia thực hiện các biện pháp KHHGĐ nhằm hạn chế tốc độ gia tăng quy mô dân số.
Ông Trần Ngọc Dưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, nói: Mức sinh giảm chưa bền vững, có nguy cơ tăng trở lại. Năm 2009 tổng tỉ suất sinh của tỉnh là 1,96 con đến năm 2016 là 2,28 con; đặc biệt tỉ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại còn thấp. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có chiều hướng giảm nhẹ nhưng hiện nay vẫn còn ở mức cao (năm 2016 là 109,73 nam/100 nữ).
Theo các chuyên gia, sự bất bình đẳng giới còn được thể hiện qua tâm lý “thích con trai, phải có con trai nối dõi tông đường và thờ cúng sau này” của một bộ phận nam giới. Điều này mặc dù trái với pháp lệnh dân số nhưng thực tế vẫn còn diễn ra và khó có thể kiểm soát.
Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới (15/11-15/12) vừa qua, tỉnh đề nghị các cấp ngành kêu gọi mọi người, đặc biệt là nam giới cần xây dựng môi trường gia đình và xã hội thân thiện, bình đẳng hơn với phụ nữ. Bên cạnh đó, công tác truyền thông cần chú trọng tới việc tuyên truyền chuyển đổi nhận thức và quan niệm của những “trụ cột” về KHHGĐ/CSSKSS và loại bỏ quan niệm “đây là việc của chị em”.
nguồn:baophuyen.com.vn