Năm 2018 là thời điểm các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược Phát triển Gia đình Việt Nam triển khai trên địa bàn tỉnh, cũng như mục tiêu, nhiệm vụ do UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện qua các Kế hoạch dài hạn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 đã đi vào giai đoạn nước rút.
Các chỉ số thực hiện cho đến năm 2018 của công tác Gia đình trên địa bàn tỉnh đã nói lên hiệu quả việc vận dụng sáng tạo các giải pháp đồng bộ, linh hoạt trên địa bàn một tỉnh có nhiều dân tộc, còn nhiều khó khăn thách thức. Một số chỉ tiêu điển hình:
– Đối với mục tiêu “Giáo dục đời sống Gia đình góp phần xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, hạnh phúc bền vững” có 92% hộ gia đình được phổ biến, tuyên truyền pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; 81% hộ gia đình được tiếp cận thông tin về giáo dục đời sống gia đình. Trên 95% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức hôn nhân;
– Đối với mục tiêu “Kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình” có 72% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa; 95% hộ gia đình nuôi dạy con tốt, phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, đạo đức và tinh thần, không phân biệt trai gái; 95% hộ gia đình thực hiện chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo ông, bà, chăm sóc cha, mẹ, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ.
– Đối với mục tiêu: “Nâng cao năng lực của gia đình trong phát triển kinh tế, tăng thu nhập và phúc lợi, đặc biệt đối với các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo theo quy định” có: 95% hộ gia đình được cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật phúc lợi xã hội dành cho các gia đình chính sách, gia đình nghèo, được thụ hưởng các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục và dịch vụ hỗ trợ gia đình hỗ trợ thành viên gia đình.
– Đối với mục tiêu “Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác PCBLGĐ có 95% số lãnh đạo chính quyền, đoàn thể, cán bộ chuyên trách cấp xã được tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống bạo lực gia đình; giảm 15% hộ gia đình có bạo lực gia đình so với năm 2017; 95% số nạn nhân bạo lực gia đình được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa bạo lực gia đình, tư vấn pháp lý, chăm sóc y tế, bảo vệ sự an toàn cho nạn nhân.
Những chỉ số có được cho đến hôm nay đó chính là kết quả sự tập trung chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; sự phối hợp có hiệu quả của các ngành, đoàn thể liên quan, các địa phương đã thiết thực, nâng cao về chất và lượng công tác Gia đình trên địa bàn tỉnh nhà.
Hoạt động được chỉ đạo, trọng tâm là Ban Chỉ đạo công tác Gia đình các cấp tổ chức thực hiện đúng thời điểm, có hiệu quả thiết thực đáp ứng thỏa mãn mục tiêu, nhiệm vụ.
Các hoạt đông phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, địa phương đã có thúc đẩy các đề án, mô hình hoạt động về Gia đình, phòng/chống bạo lực gia đình do Hội Liên hiệp Phụ nữ, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và một số ngành, đoàn thể khác triển khai, nhân rộng phát huy hiệu quả tích cực ở các địa phương.
Công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức đối với toàn xã hội được triển khai bằng các biện pháp mới, sáng tạo, tạo sự thu hút, đưa đối tượng được tuyên truyền chủ động nhập cuộc tham gia các hoạt động chuyển tải, truyền thông, giáo dục; trong đó vai trò của các mô hình, câu lạc bộ và các sự kiện đông người như hội thi, hội diễn hàng năm là trọng tâm.
Để phát huy những thành quả đã đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền sự phối hợp giữa các ngành, địa phương với các tổ chức chính trị xã hội là hết sức cần thiết. Mặt khác, cần khai thác các biện pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền giáo dục; tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách các cấp về công tác Gia đình. Đồng thời phối hợp tổ chức kiểm tra, đánh giá hiệu quả việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu về chiến lược phát triển gia đình trên địa bàn tỉnh để được sự đánh giá khách quan, thực tiễn.
Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc bền vững, thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội là một trong các mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2020, đồng thời cũng là trách nhiệm của mọi gia đình trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây đồng thời là quan điểm nhất quán của Đảng ta trong việc chỉ đạo, lãnh đạo sự nghiệp gia đình, qua những nội dung cơ bản của Chiến lược Phát triển Gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030./.
nguồn:svhttdl.kontum.gov.vn