Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh phối hợp các ngành tích cực xây dựng nhiều mô hình câu lạc bộ (CLB) phòng, chống BLGĐ trong cộng đồng. Qua đó, đã dần nâng cao nhận thức người dân về phòng, chống BLGĐ giúp cho tình trạng BLGĐ từng bước được hạn chế (năm 2016 là 235 vụ, năm 2017 là 196 vụ và năm 2018 là 136 vụ).
Từ năm 2016 đến nay, thực hiện công tác phòng, chống BLGĐ, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tích cực phối hợp Sở VH,TT&DL tỉnh thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền trong cộng đồng dân cư; thành lập trên 500 CLB gia đình phát triển bền vững, trên 300 tổ, nhóm phòng, chống BLGĐ ở cơ sở. Cứ cách 1 tháng, các CLB, tổ, nhóm này tổ chức sinh hoạt, tuyên truyền cho người dân các vấn đề phòng, chống BLGĐ. Hàng năm, có trên 2.000 người dân, cặp vợ chồng được tuyên truyền. Ngoài các mô hình, cơ sở tư vấn về phòng, chống BLGĐ của Hội LHPN tỉnh đặt tại số 31, đường 30/4, phường 1, TP.Cao Lãnh cũng góp phần tích cực trong công tác phòng, chống BLGĐ. Trong năm 2018, cơ sở đã tiếp nhận tư vấn trực tiếp cho 9 đối tượng bị BLGĐ. Cơ sở cũng phối hợp Ban Chủ nhiệm CLB gia đình phát triển bền vững ở địa phương đi tư vấn, vãng gia cho 8 đối tượng gây bạo lực và 45 người bị BLGĐ.
Theo đánh giá, các vụ BLGĐ xảy ra do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân bị bạo lực thể xác, do mâu thuẫn về hôn nhân gia đình, chồng có vợ bé, vợ chồng cãi nhau dẫn đến bạo hành trong gia đình, chồng không có việc làm ổn định, uống rượu say không làm chủ bản thân đánh đập vợ con, các thành viên trong gia đình tranh chấp tài sản dẫn đến chửi lẫn nhau. Nguyên nhân bị bạo lực tinh thần, do kinh tế gia đình gặp khó khăn, ghen tuông nảy sinh mâu thuẫn, vợ chồng bất đồng quan điểm sống dần trở thành mâu thuẫn lớn và gây đổ vỡ, những ứng xử thiếu tế nhị trong gia đình.
Hiện tại, công tác phòng, chống BLGĐ trên địa bàn tỉnh chủ yếu là xây dựng các mô hình tuyên truyền và trợ giúp nạn nhân bị BLGĐ. Hàng năm, để các mô hình tuyên truyền được duy trì, phát triển hiệu quả hơn, Sở VH,TT&DL tỉnh, cơ sở tư vấn về phòng, chống BLGĐ cùng các địa phương tích cực tập huấn thêm kiến thức cho các cán bộ Hội LHPN, cán bộ làm công tác gia đình để thực hiện tốt công tác tuyên truyền. Trong năm 2018, Sở VH,TT&DL phối hợp địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn về công tác gia đình cho cán bộ làm công tác gia đình. Cơ sở tư vấn về phòng, chống BLGĐ phối hợp huyện Tân Hồng, Hồng Ngự và TX.Hồng Ngự thực hiện 3 lớp kỹ năng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các cán bộ Hội LHPN cơ sở, cán bộ làm công tác gia đình để tuyên truyền lại cho người dân.
Phòng Văn hóa Thông tin và Hội LHPN các huyện, thị, thành phố cũng không ngừng đổi mới chất lượng, hình thức tuyên truyền để các mô hình tuyên truyền thật sự mang lại hiệu quả; cải thiện, nội dung trong các buổi sinh hoạt CLB. Bên cạnh đó, vào những ngày lễ, kỷ niệm, Phòng Văn hóa Thông tin huyện, Hội LHPN huyện tổ chức các buổi sinh hoạt vui chơi tại cộng đồng dành cho phụ nữ, sinh hoạt chuyên đề về vai trò, tầm quan trọng của phụ nữ trong gia đình, quyền bình đẳng giới giữa phụ nữ nam giới trong các vấn đề công việc, gia đình, chăm sóc con; các hội thi “Gia đình yêu thương”, “Vì sự tiến bộ của phụ nữ”, thi nấu ăn, cắm hoa… Qua đây, phụ nữ có điều kiện giao lưu, chia sẻ tâm tình, đồng thời trang bị thêm những kiến thức, hiểu biết sâu sắc hơn về BLGĐ để biết cách phòng ngừa và tuyên truyền trong cộng đồng xây dựng gia đình hạnh phúc.
Hàng năm, tuy số vụ BLGĐ có giảm nhưng vẫn còn xảy ra. BLGĐ gây nhiều hệ lụy cho trẻ em và phụ nữ; không chỉ gây tan vỡ hôn nhân mà còn làm cho những đứa trẻ mất đi tuổi thơ hạnh phúc bên gia đình đầm ấm. Tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống BLGĐ năm 2019, Sở VH,TT&DL tỉnh chỉ đạo các Phòng Văn hóa Thông tin các huyện, thị, thành phố duy trì thực hiện các mô hình tuyên truyền, chú trọng nâng chất lượng tuyên truyền; đưa tiêu chí phòng, chống BLGĐ vào chấm điểm thực hiện Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị ở các địa phương…
Nguồn: baodongthap.vn