Hòa giải ở cơ sở
Theo điều 2 khoản 1 của Luật hòa giải cơ sở ban hành ngày 20 tháng 6 năm 2013: “Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này”.
Công tác hoà giải cơ sở là việc Hoà giải viên vận dụng pháp luật, kiến thức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam để giải thích, hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ ở cơ sở. Hòa giải cơ sở được thực hiện thông qua hoạt động của Tổ hòa giải.
Tổ hòa giải là tổ chức quần chúng của nhân dân được thành lập tại cơ sở, thực hiện hòa giải tại chỗ, kịp thời, thường xuyên các mâu thuẫn, vi phạm pháp luật và tranh chấp trong nhân dân, chủ động phòng ngừa vi phạm pháp luật và góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân.
Vai trò của hòa giải ở cơ sở
Hòa giải ở cơ sở có ưu điểm cơ bản là giải quyết kịp thời ngay từ đầu các mâu thuẫn, tranh chấp không để tranh chấp trở nên gay gắt.
Những người thực hiện và tham gia hòa giải là những người gần gũi, quen biết, hàng ngày cùng lao động, sinh hoạt, dễ tạo sự thông cảm giữa các bên.
Hòa giải ở cơ sở được thực hiện tốt sẽ góp phần hạn chế các vụ, việc khiếu kiện vượt cấp, giảm bớt các vụ việc phải đưa ra cơ quan có thẩm quyền hoặc Tòa án giải quyết, tiết kiệm thời gian, tiền bạc của nhân dân và nhà nước.
Nhờ hiệu quả của công tác hòa giải, nhiều chị em được bảo vệ trước nạn bạo hành gia đình, nhiều cặp vợ chồng đã được hàn gắn, thuận hòa.