Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới gia đình và công tác gia đình. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định rõ: “ Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”. Nhằm cụ thể hóa nội dung này trong công tác quản lý nhà nước về công tác gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động, tích cực từng bước tham mưu với Đảng, Chính phủ hoàn thiện cơ chế chính sách, xây dựng các chương trình nhằm giúp cho các gia đình, thành viên gia đình thực hiện chức năng của mình, xây dựng gia đình ngày càng no ấm, tiến bộ và hạnh phúc.
Kết quả
Các văn bản được ban hành: Nghị định số 02/2013/NĐ-CP ngày 03/01/2013 của Chính phủ quy định về công tác gia đình, Quyết định 629/QĐ-TTg ngày 29/5/2012 phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 hằng năm, Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020, Thông tư số 12/2013/TT-BVHTTDL ngày 17/12/2013 quy định chi tiết hoạt động hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cộng đồng, Quyết định số 4843/QĐ-BVHTTDL ngày 08/12/2017 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”, các Chương trình phối hợp liên ngành với Hội LHPNVN, Tổng LĐLĐVN, Đoàn TNCSHCM.
Toàn thể văn bản đã được quán triệt, triển khai trên cả nước. Kết quả đến nay đến nay 100% các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Chiến lược gia đình, nhiều địa phương Hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố ban hành nghị quyết về công tác gia đình nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Chiến lược, các đề án, văn bản nêu trên.
100% các tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền đa dạng về hình thức và phong phú về nội dung nhằm vận động nhân dân giữ gìn truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Các Nội dung của công tác truyền thông hết sức sinh động và giầu tính văn hóa đã thu hút lượng lớn người xem. Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 chủ đề Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương, Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 chủ đề Yêu thương và chia sẻ hàng năm được tổ chức đều đặn và đây là dịp cao điểm thực hiện các hoạt động truyền thông tích cực cho việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với gia đình và công tác gia đình.
Nhận thức của người dân, các gia đình về xây dựng gia đình hạnh phúc được nâng cao hơn và có nhiều hành động thiết thực để xây dựng gia đình hạnh phúc. Tuy nhiên còn một số khó khăn, tồn tại:
Khó khăn, tồn tại
Trong xu hướng phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại, tỷ lệ gia đình hạt nhân chiếm ưu thế. Hạt nhân hóa gia đình làm cho các cặp vợ chồng chịu nhiều gánh nặng hơn về chăm sóc con và thế hệ ông bà, cha mẹ ít có cơ hội trao truyền những hiểu biết kỹ năng, kinh nghiệm về việc nuôi dạy con cái cũng như kinh nghiệm kỹ năng lao động sản xuất cho con cháu. Đây là một trong những nguy cơ khiến nhiều gia đình tan vỡ, không ít gia đình xảy ra hành vi đánh đập, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhau… Đáng lưu ý ngoài đối tượng gây ra bạo lực chủ yếu là chồng đối với vợ, thì dư luận xã hội vô cùng lo ngại trước hiện tượng con cái chửi bới, đánh đập, thậm chí sát hại cha mẹ già. Số vụ ly hôn ngày càng nhiều. Kết quả thống kê của ngành Tòa án, từ ngày 01/7/2008 đến ngày 31/7/2018, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 1.422.067 vụ án ly hôn, đã giải quyết 1.384.660 vụ, đạt tỷ lệ 97,4%, còn lại 37.407 vụ đang trong quá trình giải quyết. Trong số 1.384.660 vụ án ly hôn Tòa án đã giải quyết, có 1.060.767 vụ xuất phát từ nguyên nhân BLGĐ như: bị đánh đập, ngược đãi; vợ hoặc chồng nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc; ngoại tình. Trong khi đó còn một khoảng cách rất lớn giữa số liệu báo cáo thống kê và số liệu điều tra xã hội học về bạo lực gia đình. Tình trạng cán bộ vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chuyên môn nghiệp vụ đặc biệt là cấp huyện và xã đang là thách thức lớn nhất đối với công tác gia đình
Giải pháp: Tập trung vào các giải pháp
– Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về gia đình;
– Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, vận động;
– Kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác gia đình; tăng cường kinh phí cho công tác gia đình;
– Xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình.