“Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” là một trong các mô hình hiệu quả góp phần phát hiện, tiếp nhận kịp thời tin báo về vụ việc bạo lực gia đình ở địa bàn; nhanh chóng tổ chức can thiệp để giải tỏa hoặc làm chấm dứt hành vi bạo lực gây tổn thương hoặc có khả năng gây tổn thương về thể xác, tinh thần, kinh tế… cho nạn nhân ở thôn, bản.
Là cơ sở cung cấp chỗ ở, tạm lánh và bảo vệ, hỗ trợ kịp thời, giúp đỡ nạn nhân bị bạo lực gia đình (hầu hết là phụ nữ và trẻ em) tại các mô hình “Địa chỉ tin cậy”, hay “nhà lánh nạn” đã góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 4.2.2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định: “Các hoạt động trợ giúp bao gồm: chăm sóc sức khỏe; chăm sóc y tế; tư vấn pháp luật; tư vấn tâm lý; cung cấp nơi tạm lánh trong trường hợp nạn nhân bạo lực gia đình không có chỗ ở khác nhằm tránh những hành vi bạo lực tiếp theo của người gây bạo lực gia đình; hỗ trợ một số nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân bạo lực gia đình trong trường hợp nạn nhân bạo lực gia đình không tự lo được hoặc không có sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè”.
Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng còn tổ chức tuyên truyền pháp luật về: hôn nhân và gia đình; phòng chống bạo lực gia đình; bình đẳng giới và kỹ năng để phòng tránh bạo lực gia đình. Tuyên truyền quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của vợ và chồng trong hôn nhân và gia đình, xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ và bài trừ mê tín, dị đoan, cờ bạc, rượu chè, mại dâm, nghiện hút… tạo môi trường lành mạnh trong gia đình, làng xóm.
Tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng và vai trò của mỗi người dân trong công tác phòng chống bạo lực gia đình, giữ gìn an ninh trật tự. Tạo dựng và nhân rộng dư luận xã hội lên án các hành vi bạo lực gia đình; biểu dương gương điển hình trong phòng chống bạo lực gia đình.
“Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, từ cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành và đoàn thể chính trị- xã hội; đặc biệt là Ban chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình, Ban Công an, tổ hòa giải và Hội Phụ nữ xã, phối hợp với dòng họ, gia tộc, gia đình, những người có uy tín trong gia đình dòng họ; người quen biết ngay tại cộng đồng để hòa giải, tư vấn và hỗ trợ để ngăn ngừa và phòng chống bạo lực gia đình xảy ra.