Vào năm 2012, Hội Phụ nữ xã Tân Tây, huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang đã tham mưu UBND xã thành lập thí điểm 01 “Địa chỉ tin cậy” tại xã với 4 thành viên, gồm: Hội Phụ nữ, Công an, Tư pháp và Y tế. Đến nay, đã cho ra mắt thêm 7 “Địa chỉ tin cậy” tại 7 ấp trên địa bàn xã, với 21 thành viên tham gia. Qua thời gian triển khai hoạt động, mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” của xã đã khẳng định được sự cần thiết và hữu ích, góp phần đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, trẻ em trước tình hình bạo lực gia đình ngày càng gia tăng. Để mô hình hoạt động có hiệu quả, thông qua các buổi hội họp, các chị em được tuyên truyền về mục đích của việc thành lập mô hình, tuyên truyền các kiến thức pháp luật về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, đồng thời chia sẻ với các chị em về những khó khăn, nguyên nhân khi gia đình xảy ra mâu thuẫn và cách giải quyết để gia đình được êm ấm.
Mô hình “Địa chỉ tin cậy” được tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng, qua đó giúp các thành viên trao đổi kinh nghiệm làm ăn, chia sẻ, gửi gắm những tâm tư, vướng mắc của mình và lồng ghép tuyên truyền các nội dung: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, phòng chống tệ nạn xã hội, tố giác tội phạm,… với những hoạt động thiết thực đã giúp đỡ các thành viên trong mô hình “Địa chỉ tin cậy” và các nạn nhân có những chuyển biến tích cực, làm việc để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, từ đó thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần ổn định trật tự xã hội. Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, mô hình “Địa chỉ tin cậy” đã tiếp nhận, tư vấn, giúp đỡ cho 17 trường hợp: Chồng bạo hành vợ, bạo lực trong tranh chấp tài sản sau ly hôn… Nhờ sự tư vấn, hỗ trợ hiệu quả của mô hình, phần lớn các vụ việc đều được giải quyết kịp thời, thỏa đáng, nhiều chị em được bảo vệ trước nạn bạo hành gia đình, từ đó vợ chồng hiểu nhau hơn, chí thú làm ăn, cùng nhau chăm lo hạnh phục gia đình. Cụ thể, vào năm 2012 địa phương có 17 vụ bạo lực gia đình, đến nay đã giảm 9 vụ.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại địa phương, Hội Phụ nữ gặp phải một số khó khăn: Nguồn kinh phí duy trì hoạt động của mô hình còn hạn hẹp, thiếu trang thiết bị y tế và các nhu cầu thiết yếu khác cho các nạn nhân; một số nạn nhân có tính cam chịu không dám tố cáo hành vi bạo lực, sợ hàng xóm dị nghị nên khó khăn khi tiếp cận để giúp đỡ nạn nhân…
Không chỉ đơn thuần là nơi tạm lánh nạn, hòa giải, tư vấn, các “địa chỉ tin cậy” còn là cầu nối giúp nạn nhân nắm được những kiến thức về pháp luật để bảo vệ sự an toàn của bản thân khi tính mạng bị đe dọa. Đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức của hội viên, phụ nữ và người dân trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, giữ gìn an ninh trật tự, vận động chị em xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.