Khoản 1 Điều 30 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định: Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng là cá nhân, tổ chức có uy tín, khả năng và tự nguyện giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình tại cộng đồng dân cư.
Khoản 1 Điều 26 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định: “Cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình là nơi chăm sóc, tư vấn, tạm lánh, hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho nạn nhân bạo lực gia đình.” Cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình bao gồm: cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở bảo trợ xã hội; cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình và địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.
Như vậy: Mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” là một tổ chức hoạt động xã hội tình nguyện tại cộng đồng. Mọi cá nhân, tổ chức có uy tín tại cộng đồng có hiểu biết pháp luật và tự nguyện giúp đỡ nạn nhân bị bạo lực gia đình tại cộng đồng dân cư, có được sự ủng hộ của chính quyền và ít nhất một tổ chức đoàn thể ở địa phương lựa chọn đều có thể trở thành “địa chỉ tin cậy” ở cộng đồng. “Địa chỉ tin cậy” do UBND xã, thị trấn thành lập và quản lý. Nội dung hoạt động của mô hình là tiếp nhận, hỗ trợ và thông báo kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực; bảo đảm an toàn cho nạn nhân; bảo đảm bí mật thông tin về người báo tin và nạn nhân. Hỗ trợ chăm sóc, tư vấn, cung cấp nơi tạm lánh và những điều kiện cần thiết khác cho nạn nhân bạo lực gia đình.
Mô hình “địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” được thành lập với mục tiêu giúp nạn nhân bị bạo lực gia đình được tiếp cận ít nhất một hoạt động can thiệp nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực gia đình hoặc bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng. Đồng thời, góp phần tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng và vai trò của mỗi người dân trong công tác phòng chống bạo lực gia đình, giữ gìn an ninh trật tự xã hội.
Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng cần đảm bảo được tính phù hợp, tính pháp lý; hoạt động phải có sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và các cá nhân có uy tín ở địa phương, hỗ trợ kịp thời và đảm bảo an toàn cho nạn nhân bị BLGĐ.
Trong quá trình duy trì và thực hiện “địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” cần chủ động, sáng tạo, phát huy sáng kiến thực tiễn của cộng đồng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị tại địa phương nhất là vai trò của cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên như Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Đoàn thanh niên…