Trong xã hội hiện đại ngày nay thì tình yêu nam nữ là cơ sở để xây dựng
hôn nhân bởi như C.Mác đã nói: Nếu chỉ hôn nhân dựa trên cơ sở tình yêu mới là hợp đạo đức thì cũng chỉ riêng hôn nhân trong đó tình yêu được duy trì mới là hợp đạo đức mà thôi. Đó chính là cơ sở cơ bản để đảm bảo xây dựng một gia đình dân chủ hòa thuận và hạnh phúc. Tuy vậy, trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, những quan niệm về tình yêu, hôn nhân, gia đình không còn mang ý nghĩa truyền thống. Mỗi thế hệ mỗi cá nhân đều có quan niệm khác nhau về cái gọi là “chung thủy”. Luật hôn nhân và gia đình qui định đó là nghĩa vụ chung của hai vợ chồng. Và bên cạnh đó đã đưa ra những cơ chế nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ đó. Ở đây chúng ta thấy nảy sinh vấn đề: Một bên là tình cảm tự nhiên của con người và còn bên kia là những quy định luật pháp. Một cái mang tính bản năng tự nhiên và một cái mang tính xã hội. Bản chất của quan hệ vợ chồng bao gồm tình yêu và nghĩa vụ. Như vậy, cái tự nhiên và cái xã hội luôn đan xen nhau, quan hệ biện chứng với nhau và không thể tách rời nhau. Chính vì vậy, trong quan hệ vợ chồng cả hai bên đều mong muốn được thể hiện tình yêu và phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhau, điều đó thể hiện sự chung thủy. Nếu môt trong hai bên vợ, chồng hoặc cả hai bên lại thể hiện tình yêu với người khác, thực hiện nghĩa vụ với người khác thì đó là biểu hiện của sự không chung thủy. Mục đích của hôn nhân trong chế độ ngày nay là xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng tiến bộ hạnh phúc và bền vững. Để hôn nhân đạt được mục đích đó thì cơ bản hai người trong quan hệ hôn nhân phải yêu thương nhau, chăm sóc giúp đỡ nhau cùng tiến bộ và nhất là phải cùng chung thủy với nhau vì đây không chỉ là quy định về mặt pháp lý mà đó còn là đòi hỏi về mặt đạo đức.
Trong trường hợp những người không có mối quan hệ pháp lý như vợ và chồng (tức không phải vợ chồng theo nghĩa của luật) thì những người này không có nghĩa vụ chung sống và các nghĩa vụ đặc trưng của quan hệ vợ chồng như nghĩa vụ yêu thương, đùm bọc, hỗ trợ,giúp đỡ nhau cùng tiến bộ và nhất là nghĩa vụ chung thủy sẽ không được đặt ra đối với họ về mặt qui định của pháp luật được, mà ở đây có chăng là về mặt đạo đức xã hội và dư luận xã hội và riêng trách nhiệm của bản thân họ tự ý thức.
Một số câu ca dao về sự thủy chung, nghĩa tình của vợ chồng
Thủy chung, nghĩa tình trong đời sống vợ chồng không chỉ được quy định trong các văn bản Luật hôn nhân và gia đình, mà còn được đúc kết trong ca dao Việt Nam, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống và được lưu lại cho thế hệ mai sau bài học về hạnh phúc gia đình, cái nôi của mái ấm tình yêu:
“Không chồng đi dọc đi ngang/ Có chồng thì cứ một đàng mà đi”.
Hoặc: “Đói lòng ăn nắm lá sung/ Chồng một thì lấy, chồng chung thì đừng”.
“Người ta thích lấy nhiều chồng/ Tôi chỉ thích lấy một ông thật bền/ Thật bền như tượng đồng đen/ Trăm năm, quyết với cùng em một lòng”.
“Nhà tường mà lợp tranh mây/ Thân anh hai vợ như dây buộc mình”.
“Đạo nào bằng đạo phu thê/ Tay ấp, má kề, sinh tử có nhau”.
“Thương nhau tạc một chữ tình/ Trăm năm thề quyết bạn mình có nhau”.
Hoặc: “Thương nhau gặp khúc sông vơi/ Khó khăn, gian hiểm chẳng rời thủy chung”.
“Mưa rơi gió tạt vô thành/ Đôi ta chồng vợ, ai dỗ dành đừng xiêu”.
Hoặc: “Đôi ta như rượu với nem/ Đang say ngây ngất, ai dèm chớ xa”.
Trăm năm lòng gắn dạ ghi/ Nào ai thay nút đổi khuy cũng đừng.
Hoặc: “Trăng tròn chỉ có đêm rằm/ Tình ta tháng tháng, năm năm vẫn tròn”.
“Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây
Xây dọc rồi lại xây ngang
Xây hồ Bán nguyệt cho nàng rửa chân”
“Thuận vợ, thuận chồng tát biển đông cũng cạn”.
“Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp, gật đầu khen ngon”.
“Làm trai lấy được vợ hiền/ Như cầm đồng tiền mua được của ngon”.
Hoặc: “Phận gái lấy được chồng khôn/ Xem bằng cá vượt vũ môn hóa rồng”.
“Ước gì anh hóa ra hoa/ Để em nâng lấy rồi mà cài khăn/ Ước gì anh hóa ra chăn/ Để cho em đắp, em lăn, em nằm”.
“Anh đã có vợ con chưa?/ Mà anh ăn nói, đón đưa ngọt ngào/ Mẹ già anh ở nơi nao?/ Để em tìm vào, hầu hạ thay anh”.