Luật phòng chống bạo lực gia đình có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2018, sau 10 năm thi hành, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật như sau:
Hiện nay Luật,Phòng, chống bạo lực gia đình chưa quy định rõ khái niệm “ thành viên gia đình”. Đề nghị bổ sung để thống nhất với quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành.
Điều 2, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định các hành vi bạo lực gia đình còn quá chung chung và không đầy đủ. Điều này dẫn đến bỏ sót hành vi và tình trạng người thực hiện hành vi bạo lực cũng không biết mình đang thực hiện hành vi bạo lực gia đình, đồng thời nạn nhân cũng khó xác định được đâu là hành vi bạo lực gia đình để tố cáo và để yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp. Ngoài ra cần bổ sung các hành vi bạo lực tình dục trong quan hệ vợ chồng như: hành vi ép buộc mang thai, sinh sớm, sinh dày, sinh nhiều con, ép buộc lựa chọn giới tính của thai nhi, ngăn cản không cho sử dụng biện pháp tránh thai…
Theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, khung hình phạt hiện nay đối với một số tội liên quan đến những hành vi bạo lực trong gia đình còn thấp, chưa đủ tính răn đe như: đối với tội bức tử (Điều 100) cao nhất là bảy năm tù, còn các tội khác mức hình phạt cao nhất cũng chỉ tới ba năm tù. Cần quy định mức hình phạt đối với các hành vi bạo lực gia đình cao hơn mới có tác dụng ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình hiện nay ở Việt Nam.
Theo quy định của Luật việc áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc phải “có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền…” là chưa phù hợp với thực tiễn và chưa bảo vệ nạn nhân được kịp thời.