Thời gian qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) đã góp phần làm thay đổi diện mạo và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Chính vì vậy, việc thúc đẩy phong trào TDĐKXDĐSVH luôn được chú trọng thực hiện, trong đó việc xây dựng gia đình văn hóa phát triển bền vững được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.
Trên địa bàn tỉnh, việc phát động, đăng ký và bình chọn danh hiệu Gia đình văn hóa đã trở nên quen thuộc. Qua đó, từng gia đình sẽ tự điều chỉnh hành vi ứng xử, thái độ của mình đối với người thân, hàng xóm láng giềng. Đặc biệt, việc bình chọn danh hiệu Gia đình văn hóa sẽ có hiệu quả thiết thực khi các gia đình tự gắn kết với xã hội bằng những việc làm rất cụ thể mà xã hội quan tâm như: gia đình khuyến học, hiếu học; gia đình giúp xóa đói, giảm nghèo; gia đình làm tốt công tác từ thiện; gia đình hiến đất đai, vườn tược để làm đường, xây dựng trường học.
Bà Nguyễn Thị Nhiên, thành viên một gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa ở xã An Mỹ (huyện Tuy An) chia sẻ, để xây dựng gia đình văn hóa phát triển bền vững, trước hết mỗi thành viên trong gia đình phải phát huy tốt những giá trị đạo đức của gia đình truyền thống; giữ vững gia phong, làm tốt việc giáo dục con cái; trong đó, cha mẹ, ông bà luôn luôn gương mẫu để các con, cháu noi theo. Đặc biệt, để giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa lâu dài thì gia đình đó phải kết hợp với những giá trị tiên tiến của gia đình hiện đại ngày nay như bình đẳng giới, ít con…, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thời gian qua, công tác xây dựng gia đình văn hóa luôn có sự chung tay, vào cuộc của nhiều cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị xã hội, tạo thành phong trào sâu rộng. Ngoài cuộc vận động chung của tỉnh, hầu hết các hội, đoàn thể đều triển khai các phong trào thi đua riêng gắn với việc xây dựng gia đình văn hóa như phong trào “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan” của Hội LHPN, phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” của LĐLĐ tỉnh, phong trào thi đua xây dựng “Gia đình nông dân văn hóa” của Hội Nông dân, phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền” của Hội Người cao tuổi… Những phong trào thi đua này đã góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy các gia đình xây dựng và giữ gìn nền nếp, phát triển kinh tế, gương mẫu trong các hoạt động. Và chính những hoạt động xã hội cụ thể đó không chỉ đem lại cuộc sống tốt đẹp cho các gia đình mà còn góp phần vào sự phát triển của xã hội.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên, cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 234.000/253.000 hộ được công nhận Gia đình văn hóa, đạt 92,5%. Tỉ lệ này phần nào đánh giá chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao. Phong trào TDĐKXDĐSVH thực sự đã khơi dậy những nét đẹp văn hóa, thuần phong mỹ tục và giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc như: trọng nghĩa, thủy chung, uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo…”.
Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” đã thực sự mang lại những kết quả đáng phấn khởi, thúc đẩy sự phấn đấu, nỗ lực của từng thành viên trong gia đình. Tuy nhiên để phong trào mang lại hiệu quả thiết thực, các địa phương cần đổi mới cả nội dung lẫn hình thức hoạt động của ban chỉ đạo các cấp theo hướng thiết thực, hiệu quả, sâu sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm; gắn phong trào với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần tạo ra những nhân tố, những tế bào tốt đẹp, lành mạnh cho xã hội.
MỸ AN – NGUYỄN YÊN (nguồn: Trang thông tin điện tử Báo Phú Yên)