Bình đẳng giới đang là vấn đề được rất nhiều quốc gia quan tâm trong đó có Việt Nam. Để thực hiện được mục tiêu về bình đẳng giới thì việc giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới là hết sức cần thiết.
Bình đẳng giới trong giáo dục làm tăng chất lượng nguồn nhân lực trung bình của xã hội Nếu chúng ta giả định rằng, trẻ em trai và gái có khả năng thiên bẩm như nhau và những đứa trẻ có khả năng hơn sẽ được học tập và đào tạo nhiều hơn, thì việc thiên vị trẻ em trai có nghĩa là những trẻ em trai có tiềm năng thấp hơn trẻ em gái lại được học hành nhiều hơn, như thế, chất lượng nguồn nhân lực trong nền kinh tế sẽ thấp hơn mức có thể đạt được và kìm hãm tiềm năng tăng trưởng kinh tế.
Bình đẳng giới trong giáo dục có ảnh hưởng tích cực đến chất lượng nguồn nhân lực của tương lai. Khi mức độ bất bình đẳng giới trong giáo dục giảm đi, tức là ở mỗi cấp đào tạo, tỷ lệ nữ so với nam tăng lên và khi trình độ và nhận thức của phụ nữ trong gia đình được cải thiện, số lượng và chất lượng đầu tư cho giáo dục đối với con cái sẽ được cải thiện trực tiếp thông qua sự dạy dỗ của người mẹ cũng như khả năng thuyết phục hoặc quyền của người mẹ trong việc đầu tư nhiều hơn cho giáo dục đối với con cái.
Ngoài ra, trình độ của người mẹ cao hơn, đóng vai trò quyết định trong việc chăm sóc và dinh dưỡng đối với con cái. Về lâu dài, các tác động này sẽ làm cho chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện và năng suất lao động trung bình của toàn xã hội sẽ được nâng lên.
Theo đánh giá của ngành Giáo dục, thời gian qua, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức bình đẳng giới cho cán bộ, nhà giáo, người lao động của ngành giáo dục đã đạt được những kết quả đáng kể.
Phụ nữ và trẻ em gái được tạo điều kiện bình đẳng với nam giới trong nâng cao trình độ văn hóa và trình độ học vấn. Về cơ bản, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu xóa bỏ cách biệt giới ở các cấp học trước năm 2015.
Có 4 loại hình giáo dục không chính quy, chủ yếu dành cho người lớn, trong đó có phụ nữ. Các chương trình này đã tạo nhiều cơ hội học tập đối với phụ nữ hơn rất nhiều so với trước. Nhận thức được thực trạng và tầm quan trọng của người phụ nữ, đặc biệt là vai trò của giáo dục đối với xã hội, ngành Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện tương đối tốt vấn đề bình đẳng giới.
Tuy nhiên, thực chất bình đẳng giới trong Giáo dục và Đào tạo còn tồn tại nhiều vấn đề cần xem xét. Về khách quan, việc nhìn nhận vai trò của nữ giáo viên chưa đúng, nhiều Hiệu trưởng không muốn nhận giáo viên là nữ vì sợ liên quan đến chế độ nghỉ sinh nở, con đau ốm ảnh hưởng đến việc giảng dạy, hoặc khi đề bạt, cử đi học còn e dè trong việc chọn nữ giáo viên. Trẻ em gái ít cơ hội được đến trường so với nam giới. Nếu tính trung bình cho tất cả các quốc gia đang phát triển, tỷ lệ phụ nữ biết chữ thấp hơn 29% so với nam giới, số năm đến trường trung bình thấp hơn 45% so với nam giới và tỷ lệ nhập học tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông của nữ thấp hơn tương ứng là 9%, 28% và 49% so với nam.
Về chủ quan, nhiều chị em chưa thoát ra khỏi tâm lí tự ti, an phận, không cần phấn đấu, không chịu khó học tập để nâng cao trình độ, chưa nhận thức hết vai trò và chưa thay đổi cách nhìn mới về chính mình. Mặt khác, các chính sách trong Giáo dục và Đào tạo ngoài ảnh hưởng chung đối với xã hội còn có ảnh hưởng trực tiếp đến bình đẳng giới. Ví dụ, việc tăng giảm học phí ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của trẻ em gái. Bởi vì trẻ em gái có nguy cơ bị buộc nghỉ học cao hơn bé trai khi điều kiện gia đình khó khăn.
Chính vì thế, để thu hẹp khoảng cách bình đẳng giới, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới đã giúp cho các đơn vị, trường học, cán bộ, nhà giáo, người lao động thấy rõ nguy cơ, thực trạng của vấn đề bất bình đẳng giới đang ngăn cản sự phát triển của đất nước. Từ đó mọi người có được nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của bình đẳng giới đối với sự phát triển xã hội, cộng đồng.
Công tác tuyên truyền về bình đẳng giới trong ngành giáo dục và đào tạo đã góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành vi của cán bộ, nhà giáo, người lao động về giới và bình đẳng giới trong quan hệ đối xử giữa nam và nữ, trong thực hiện kế hoạch hoá gia đình, trong lựa chọn sinh con theo giới tính, về vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Công tác này góp phần không nhỏ vào việc thay đổi nhận thức của phụ nữ theo hướng tiến bộ về vị trí, vai trò của họ và giúp họ khẳng định được bản thân mình trong xã hội. Các tấm gương tiêu biểu của giới nữ ở nhiều độ tuổi, trình độ học vấn, chuyên môn, lĩnh vực hoạt động khác nhau là minh chứng sáng rõ cho vấn đề nêu trên.
Bên cạnh tuyên truyền chính thống thông qua các cuộc họp, hội thảo, hội nghị, thời gian qua ngành giáo dục cũng đã tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Tổ chức làm báo ngành, tổ chức và tham gia hội thi tìm hiểu về giới, phát tờ rơi…
Các hoạt động này đã góp phần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về giới tới các đơn vị, trường học, tới từng cán bộ, nhà giáo, người lao động trong toàn ngành nhằm nâng cao hiểu biết về giới và bình đẳng giới. Đồng thời vấn đề bình đẳng giới còn được tiến hành lồng ghép trong nhiều hoạt động chuyên đề của từng cơ quan, đơn vị.
Ngoài ra, việc tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của Uỷ ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của Phụ nữ và hệ thống các ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ và năng lực của Hội Phụ nữ các cấp cũng cần được chú trọng.
Thêm vào đó, bản thân chị em phải tự lực tự cường phấn đấu để vươn lên, rèn luyện theo các tiêu chí: Có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân đạo để khẳng định mình.
Có thể nói, bình đẳng giới trong giáo dục có tầm quan trọng to lớn đối với sự phát triển của đất nước. Vì vậy, có một nhà giáo dục đã viết: Giáo dục một người đàn ông, ta được một gia đình, giáo dục một người phụ nữ ta được cả một thế hệ. Lợi ích trăm năm trồng người chính là xuất phát từ việc bình đẳng giới trong giáo dục.
Thu Hà (nguồn: hoinongdan.org.vn)