Sau 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Bắc Giang được đánh giá là địa phương có nhiều biện pháp tích cực làm giảm mạnh số vụ bạo lực.
Thành lập gần một nghìn CLB phòng chống BLGĐ
Luật Phòng, chống BLGĐ có hiệu lực ngày 1- 7- 2008 là cơ sở pháp lý quan trọng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình, nhất là với người già, phụ nữ, trẻ em (đối tượng có nguy cơ bị bạo hành cao). Để Luật đi vào cuộc sống, tỉnh Bắc Giang triển khai nhiều biện pháp. Cụ thể, trong chiến lược phát triển gia đình giai đoạn 2013- 2020, UBND tỉnh đề ra mục tiêu, trung bình mỗi năm giảm từ 15 đến 20% số hộ có BLGĐ. Giải pháp cơ bản được đề ra là phát huy hiệu quả CLB phòng, chống BLGĐ.
Từ 12 CLB phòng, chống BLGĐ năm 2008, đến nay toàn tỉnh đã có 958 CLB với gần 26 nghìn thành viên và 433 địa chỉ tin cậy, “nhà đồng cảm”. Hầu hết các khu dân cư đưa việc thực hiện phòng, chống BLGĐ vào hương ước, quy ước. Nếu năm 2008 toàn tỉnh xảy ra hơn 1 nghìn vụ BLGĐ thì đến năm 2017 giảm xuống còn 259 vụ.
Điển hình như CLB phòng, chống BLGĐ thôn Cầu Chính, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) can thiệp thành công, hàn gắn hàng chục cặp vợ chồng trước đó đã xảy ra bạo lực, gia đình rạn nứt. Bà Hà Thị Tiến, Chủ nhiệm CLB cho biết: Từ khi thành lập (năm 2009), CLB duy trì tổ chức nhiều tiết mục văn nghệ về xây dựng gia đình hạnh phúc. Khi có trường hợp bị bạo hành, tổ hòa giải đến tận nơi tìm hiểu nguyên nhân, khuyên nhủ, đồng thời có biện pháp phối hợp với cơ quan an ninh địa phương bảo vệ nạn nhân.
Một số địa phương thực hiện các biện pháp nhằm đẩy lùi BLGĐ như: TP Bắc Giang tổ chức thông tin chuyên đề về bí quyết giữ gìn gia đình hạnh phúc, huyện Tân Yên tổ chức tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững; huyện Lạng Giang tổ chức hội thi tìm hiểu Luật Phòng, chống BLGĐ; thi hòa giải viên giỏi, 100% xã, thị trấn duy trì mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”, CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Người chồng tâm lý”, “Gia đình không có bạo lực”. Huyện Hiệp Hòa tổ chức nói chuyện chuyên đề “Bí quyết giữ gìn mái ấm gia đình hạnh phúc thời kỳ hội nhập”. Các huyện: Yên Dũng, Lục Ngạn, Sơn Động phát huy hiệu quả mô hình “Nhà tạm lánh”, “Nhà đồng cảm”, “Địa chỉ tin cậy”.
Phòng ngừa vi phạm
Ông Nguyễn Đắc Hồng, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Chuyển biến rõ nhất là nhận thức, trách nhiệm từ các cấp chính quyền và nhân dân về BLGĐ đã thay đổi. Tâm lý xem bạo lực gia đình là “chuyện nội bộ” đã giảm, vì vậy những tin báo, tố giác hành vi, vụ việc BLGĐ ngày càng kịp thời hơn, nhiều vụ được tiếp nhận, xử lý làm tăng thêm sự tin cậy của nạn nhân đối với các mô hình hỗ trợ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến BLGĐ, trong đó chủ yếu xuất phát từ những thói quen xấu như uống rượu, bia, cờ bạc, sử dụng ma túy hoặc khó khăn về kinh tế, ghen tuông… Tuy vậy, biện pháp xử lý phần lớn các vụ việc mới dừng ở bước hòa giải hoặc xử phạt mức độ nhẹ, số bị xử lý còn ít so với thực tế. Một số vụ đã được xét xử như: Tháng 5-2016 đối tượng Ngô Duy Sơn ở phường Mỹ Độ (TP Bắc Giang) bị TAND tỉnh Bắc Giang xử phạt 12 năm tù do đánh vợ tử vong. Tháng 8-2016, TAND huyện Lục Nam tuyên phạt bị cáo Bàn Văn Cường (SN 1983) ở thôn Gốc Dẻ, xã Lục Sơn 6 năm tù vì tội đánh vợ gây tổn hại 32% sức khỏe và cũng trong năm 2016, TAND huyện Hiệp Hòa tuyên phạt bị cáo Chu Quang Đạo (SN 1966) tại xã Lương Phong 5 năm tù về hành vi cắt gân tay, gân chân vợ gây tổn hại 34% sức khỏe…
Thời gian tới, công tác phòng, chống BLGĐ sẽ tiếp tục được quan tâm theo hướng tăng cường biên soạn, cung cấp tài liệu, băng đĩa có nội dung phù hợp phục vụ cho tuyên truyền, sinh hoạt tại cơ sở. Ngành văn hóa mời chuyên gia tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác gia đình, thành viên CLB, tiếp tục nhân rộng các mô hình về phòng, chống BLGĐ.
Để góp phần giảm các vụ BLGĐ, các địa phương cần tiếp tục thành lập, duy trì tốt đường dây nóng, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị bạo lực; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, trong đó tập trung vào nam giới; quan tâm giải quyết việc làm cho lao động, nâng cao đời sống và ngăn chặn kịp thời các tệ nạn xã hội; xử lý nghiêm minh hơn nữa đối với các vi phạm.
Nguyễn Hưởng (nguồn báo bắc giang điện tử)